(GD&TĐ) - Thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học của Bộ GD&ĐT, đến nay, trong tổng số 53.451 học sinh tiểu học trong toàn tỉnh Kon Tum đã có 29.309 học sinh được học 9-10 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 55%); 20.191 học sinh học 6-8 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 38%)... Thực tế cho thấy, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Vân - Phó trưởng Phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT) thì xác định việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, đặc biệt là chất lượng học Tiếng Việt cho học sinh DTTS nên những năm gần đây, ngành đã triển khai, khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường phát triển mạnh dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với Kon Tum, tùy theo điều kiện thực tế của các địa phương mà việc triển khai dạy 2 buổi/ngày có 2 dạng: dạng tăng buổi 6-8 buổi/tuần và dạng học cả ngày 9-10 buổi/tuần. Thời lượng tối đa đối với học sinh học 2 buổi/ngày là 7 tiết/ngày (buổi sáng 4 tiết, buổi chiều 3 tiết). Với việc tổ chức dạy 2 buổi, giáo viên được giao quyền chủ động bố trí thời gian và nội dung hợp lý trong hoạt động dạy học. Buổi sáng, giáo viên giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định, buổi chiều học sinh được giáo viên thực hành kiến thức đã học. Chính vì vậy nên giáo viên có nhiều thời gian sâu sát và có hướng bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THTHSP cho biết: Hoạt động dạy và học 2 buổi/ngày vừa giúp học sinh có thời gian ôn bài học chính khóa ở lớp, vừa có điều kiện phát hiện, rèn luyện kỹ năng về các môn năng khiếu cho các em. Hiện nay, 100% học sinh ở trường được tổ chức học 2 buổi/ngày. Từ khi thực hiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cùng bán trú, chất lượng học của học sinh được nâng lên. Trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh của trường luôn đạt những thành tích xuất sắc không chỉ ở các môn học chính khóa còn ở các môn về năng khiếu như vẽ, viết chữ đẹp...
HS Trường TH Đăk Dục (Ngọc Hồi) được tổ chức bán trú để học 2 buổi/ngày |
Đặc biệt, mô hình dạy 2 buổi/ngày rất phù hợp với đối tượng học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh khi buổi thứ hai được giáo viên bố trí để tăng cường tiếng Việt và củng cố kiến thức các môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh. Thực tế cho thấy với hơn 63% học sinh tiểu học là người DTTS nên tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa người học - người dạy, giáo viên nói học sinh không hiểu diễn ra khá phổ biến và tất yếu học sinh sẽ khó nắm được kiến thức từ chương trình học.
Để phá vỡ “rào cản” này đòi hỏi phải tăng cường thời lượng tiếng Việt, xây dựng môi trường tiếng Việt trong nhà trường. Bởi vậy, khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày thì sau buổi sáng dạy theo chương trình Bộ GD&ĐT quy định, đối với các trường vùng ĐBDTTS, buổi chiều sẽ bố trí để tăng cường tiếng Việt, bù đắp lỗ hổng kiến thức của học sinh (khác với vùng thuận lợi việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện thông qua việc nâng cao chuẩn kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngòai giờ lên lớp, ngoại khóa…).
Đặc biệt, nhờ các trường tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số chuyên cần đảm bảo hơn. Từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của các bậc phụ huynh và thông qua các chương trình, dự án như: Mô hình trường học mới, Dự án SEQAP đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, Quyết định 85 của Thủ tướng chính phủ về phát triển Trường PTDTBT và chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú… nên học sinh tiểu học được ở lại bán trú, ăn trưa tại trường. Cũng từ đây, sau buổi học sáng, học sinh cũng như phụ huynh yên tâm hơn khi con ở lại trường để học tiếp vào buổi chiều.
Theo thống kê, nếu như năm học 2008-2009, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4.653 học sinh tiểu học bán trú và có tới 199 học sinh tiểu học bỏ học thì đến nay đã có 9.545 học sinh được ở bán trú, số học sinh bỏ học chỉ còn 51 học sinh. Cũng nhờ học 2 buổi/ngày đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học. Nếu như năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi ở môn Tiếng Việt 44,6%, Toán 48% thì đến năm học 2011-2012 tỷ lệ khá, giỏi ở môn Tiếng Việt 60,45%, môn Toán 61,1%.
Được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học cộng thêm những ưu điểm vượt trội nên việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2008-2009, trong tổng số 47.799 học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh mới có 27.368 học sinh tiểu học học 6-8 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 57%) và 17.001 học sinh học 9-10 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 36%) thì đến năm học 2012-20-13 trong tổng số 53.451 học sinh có 20.191 học sinh học 6-8 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 38%) và có tới 29.309 học sinh học 9-10 buổi/tuần, chiếm tỷ lệ 55%...
Tuy nhiên cũng theo cô Huỳnh Thị Thu Vân thì để có thêm nhiều trường, đặc biệt là các trường ở vùng ĐBDTTS được triển khai dạy 2 buổi/ngày thì cần phải có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất (phòng học, nhà ăn, phòng ở cho học sinh vào buổi trưa…); giải quyết kịp thời chế độ dạy dự giờ đối với giáo viên; bổ sung cán bộ, giáo viên (theo quy định của Bộ GD&ĐT để tổ chức dạy 9-10 buổi/tuần phải đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp)…
Nguyên Phúc