Dấu vết nhựa trong cơ thể người

GD&TĐ - Các mẩu nhựa micro (microplastic) có thể được tìm thấy trong cơ thể người trên khắp thế giới - các nhà khoa học nhóm họp ở Vienna (Áo) cảnh báo như vậy. Họ cho biết, mọi người “ăn” nhựa cùng với cá, muối biển, thậm chí “uống” cùng bia, mật ong và nước đóng chai. Sản xuất chất dẻo toàn cầu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu tấn và tiếp tục gia tăng.

Dấu vết nhựa trong cơ thể người

Mặc dù phần lớn lượng rác thải nhựa ở lại trên đất liền, nhưng các nhà khoa học thường chọn nghiên cứu rác thải nhựa trong nước biển do khó khăn kỹ thuật liên quan đến những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Ước tính có 2 - 5% lượng chất dẻo sản xuất ra được thải xuống biển. Tại đây, những mấu “sạn” nhựa (microplastic) bị các động vật biển “ăn” và tham gia vào chuỗi thức ăn. Kết quả là dấu vết nhựa microplastic có thể được tìm thấy trong cơ thể người.

Microplastic là các mẩu nhựa nhân tạo nhỏ, có chiều dài dưới 5 mm. Chúng được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm (ví dụ như trong mỹ phẩm). Việc “ăn” microplastic có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, viêm mô, các vấn đề với gan, hình thành khối u và rối loạn nội tiết. Microplastic cũng có thể tạo điều kiện dễ dàng lan truyền các chất hóa học độc hại.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một lượng lớn microplastic trong cá ngừ, tôm hùm và mực. Ngoài ra có nhiều khả năng là thực phẩm bị nhiễm microplastic trong các quá trình chế biến hoặc trong lúc đóng gói. Một nguồn microplastic khác trong thức ăn của con người còn là muối biển. Ngoài ra người ta còn phát hiện microplastic trong bia, mật ong và nước đóng chai.

Các nhà khoa học ở ĐH Vienna và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Áo Umweltbundesamt đã theo dõi một nhóm gồm 8 người từ các quốc gia khác nhau (Áo, Phần Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Nga, Anh và Italy). Trong một tuần lấy mẫu chất thải (phân), mỗi người trong số họ thực hiện ghi chép hàng ngày về thực đơn của mình.

Hóa ra, tất cả 8 người tham gia nghiên cứu đều bị tác động của microplastic thông qua việc ăn thực phẩm đóng gói trong túi nhựa, hộp nhựa hoặc uống nước từ chai nhựa. Không một người tham gia nghiên cứu nào là người ăn kiêng; 6 người trong nhóm ăn cá biển là chủ yếu.

Thí nghiệm nói trên giúp khẳng định một điều mà từ lâu chúng ta đã nghi ngờ, đó là chất dẻo nhân tạo cuối cùng cũng đã lọt vào hệ tiêu hóa của con người.

Tiến sĩ Philipp Schwabl, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết: “Điều này rất đáng lo ngại, đặc biệt là trong trường hợp các bệnh nhân mắc bệnh về đường tiêu hóa. Trong quá trình nghiên cứu đối với động vật, mật độ microplastic cao nhất được phát hiện ở ruột.

Tuy nhiên, các hạt nhựa nhỏ nhất có khả năng lọt vào hệ tuần hoàn, thậm chí lọt vào gan. Chúng ta đã có những chứng cớ đầu tiên về sự hiện diện của microplastic trong cơ thể người. Hiện giờ, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu vấn đề này có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe con người”.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ