Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 đánh giá: tình hình vẫn diễn biến phức tạp, do các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; pháo nổ; sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng nhận định tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, trên tuyến biên giới phía bắc trọng điểm là địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang,… lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng vận chuyển trái phép các mặt hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đồ điện tử…
Đặc biệt, dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng vận chuyển trái phép, tàng trữ mặt hàng pháo nổ đang diễn ra phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng liều lĩnh. Tại Lạng Sơn, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ gần 13 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới để vào nội địa tiêu thụ.
Trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã… và buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp.
Điển hình, ngày 03/10/2019, tại khu vực biên giới tỉnh Savannakhet (Lào), tiếp giáp với thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chủ trì phá án thành công, bắt quả giữ 2 đối tượng người Lào vận chuyển trái phép 215.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới vào Việt Nam. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điề tra, làm rõ…
Còn tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, địa bàn trọng điểm là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng vận chuyển với số lượng lớn, trong đó đa số là đối tượng người nước ngoài với phương thức thủ đoạn tinh vi như: Trà trộn ma túy vào các bưu phẩm gửi theo loại hình quà biếu từ nước ngoài về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Điển hình, ngày 7/8 tại Sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1 đối tượng người nước ngoài, phát hiện trong ổ bụng đối tượng có 77 viên nén với trọng lượng khoảng 1,555 kg là chất Cocaine.
Tại các tuyến đường biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra. Điển hình, ngày 04/10/2019, tại khu vực biển Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và kiểm tra tàu Thanh Châu đang vận chuyển khoảng 500.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Hiện lực lượng Cảnh sát biển đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu…
Đáng chú ý, hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với người địa phương, thuê kho, xưởng để tàng trữ, pha chế ma túy vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ (Đầu tháng 8/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phát hiện nhóm 8 người Trung Quốc thuê xưởng tại tỉnh Kon Tum để sản xuất trái phép ma túy, thu giữ hơn 13 tấn tiền chất và 20 tấn máy móc thiết bị, nếu sản xuất thành công sẽ cho ra khoảng 1 tấn ma túy tổng hợp dạng đá).
Theo thống kê, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18 % so với cùng kỳ 2018), thu nộp NSNN đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).
Trong những tháng cuối năm, ông Đàm Thanh Thế cho biết, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề ra một số nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách…
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi vụ việc Công ty CP Tập đoàn Asanzo trốn thuế như thế nào, ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khẳng định: Tổng cục Hải quan đã có căn cứ và xác định 2 dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo: Vi phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và trốn thuế.
Tổng cục Hải quan sẽ có cuộc họp báo riêng về vụ này, lúc đó sẽ công bố những chứng cứ, tài liệu và số liệu chính xác, đầy đủ hơn.
Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì việc kiểm tra, điều tra và thanh tra Công ty CP Tập đoàn Asanzo, Tổng cục Hải quan tham gia tham mưu. Dự kiến trong đầu tuần tới sẽ họp tất cả các bộ, ngành được Thủ tướng giao nhiệm vụ để đánh giá, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Tổng cục Hải quan sẽ họp, lấy ý kiến kết quả điều tra, kiểm tra, thanh tra về Asanzo của tất cả các bộ ngành gồm Tài chính, Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Thuế, VCCI…, để có thông tin công bố chính thức.
"Đây là vụ việc phức tạp nên các ngành vẫn đang trong quá trình điều tra", ông Nguyễn Văn Ba cho hay.
Theo Chinhphu