Asanzo và đòn “trời giáng”
Ngày 21/6 vừa qua, Báo Tuổi trẻ và Báo Phụ nữ TPHCM đồng loạt cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hoá. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, trong đó có kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá. Theo quy định, xuất xứ hàng hoá là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng.
Trong thời gian đó, Asanzo đã điêu đứng khi doanh thu sụt giảm, thiệt hại kinh tế lớn. Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo Phạm Văn Tam thông tin: “Trong gần 3 tháng qua, chúng tôi tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành”. Cách đây một tháng, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy, chờ kết luận của các cơ quan quản lý về vụ việc.
Khi đó ông Tam cho biết, trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án “bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam”, mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác.
Trước đó, Asanzo cũng đã phải thông báo ngừng mọi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo trì, bảo hành để bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng. Từ 17/9, Asanzo sẽ vận hành trở lại 4 nhà máy cũng như khôi phục các hoạt động khác. Tuy nhiên, với thiệt hại kinh tế và khủng hoảng thị trường, chưa chắc chắn Asanzo sẽ quay trở lại với tiềm lực như xưa.
Vội vàng tổ chức họp báo
Chặng đường đầy biến động của Asanzo trong 89 ngày vừa qua |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng đã thành lập nhiều tổ công tác để làm việc với Asanzo. Ngày 1/8, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo.
Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngày 4/9, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung: “Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá là sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, hoặc xuất xứ từ Việt Nam… là phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành”.
Mặc dù, đã có kết luận việc kinh doanh của Asanzo phù hợp với các quy định của pháp luật nhưng thực tế chưa có cơ quan chức năng nào kết luận Asanzo vi phạm. Việc vội vàng tổ chức họp báo đã khiến không ít người thắc mắc. Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Hoàng - Đại diện Asanzo cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thấy rằng các cơ quan Nhà nước chưa ban hành kết luận nào nói Asanzo vi phạm. Có thể cơ quan Nhà nước sẽ công bố sau, nhưng anh Tam muốn công bố sớm để quay trở lại sản xuất, kinh doanh”.
Ông Hoàng cho rằng, với tư cách là người hiểu pháp luật, ngoài hai văn bản cung cấp thì đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ cơ quan Nhà nước nào nói Asanzo vi phạm xuất xứ hàng hóa như quy kết trước đây.
Về phía mình, ông Tam cũng khẳng định theo quy định hiện hành thì Asanzo không vi phạm pháp luật và mong cơ quan chức năng công bố kết quả để sớm quay lại sản xuất.Đáng chú ý, buổi họp báo diễn ra trong 1 giờ và không có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước.
Còn nhiều bất thường
Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả kết luận của các cơ quan chức năng đều cho thấy Asanzo không sai phạm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hiệu bất thường cho thấy Asanzo không hẳn vô tội. Theo công bố của phía Hải quan, 14 công ty đối tác của Asanzo đã bỏ trốn. Đại diện Asanzo giải thích đó là những công ty nhỏ trong chuỗi sản xuất của Asanzo, tới đây sẽ thanh lọc lại và lựa chọn để phát triển ổn định hơn.
Về slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại Hồng Kông của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Tuy nhiên, chiều 19/9, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (SVN) Masashi Kubo đã tố Asanzo giả mạo bằng chứng và tuyên bố theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp này. Theo đó, SVN dưới danh nghĩa công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp đã phủ nhận điều này.
SVN khẳng định lá thư Asanzo công bố trong buổi họp báo xác nhận của SRH về mối quan hệ hợp tác này vào ngày 12/9/2019 là giả mạo. SRH đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng Công ty Roxy vào ngày 31/10/2016. Cụ thể, ngày 25/9/2016 Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy và SRH trở thành công ty con 100% vốn sở hữu tạo Tập đoàn Sharp. Tiếp đó, ngày 31/12/2016 đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp – Roxy (Hồng Kồng) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Từ thời điểm này (cuối 2016), Công ty Điện tử Roxy không còn quan hệ gì với Tập đoàn Sharp nữa.
Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đức Hoàng cho rằng, các kết luận hiện nay của cơ quan chức năng đưa ra chưa đủ minh oan cho Asanzo. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định Asanzo vô tội. Liên quan đến cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ, ông Hoàng cho rằng, Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã có hướng dẫn nhưng chưa cụ thể nên dù chưa thể khẳng định Asanzo đúng hoàn toàn nhưng chắc chắn không sai. “Từ trước đến giờ mới chỉ có báo chí kết tội Asanzo gian lận thương mại chứ chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định điều đó”, ông Hoàng nhắc lại.