Nhu cầu nhân lực AEC - hướng tới lao động trình độ cao

GD&TĐ - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Theo đó, các quốc gia trong khối trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi thông qua những thỏa thuận chung về lưu thông hàng hóa, dịch vụ. 

Nhu cầu nhân lực AEC - hướng tới lao động trình độ cao

Đặc biệt là lưu chuyển lao động, bên cạnh cơ hội thu hút nhân lực chất lượng cao đến Việt Nam làm việc, thì người lao động Việt Nam cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia phát triển hơn như Singapore, Thái Lan… Tuy nhiên, dịch chuyển lao động đang đặt ra những yêu cầu về dự báo xu hướng ngành nghề và trình độ, kỹ năng của người lao động.

Nhiều ngành được hưởng lợi

Xu hướng nhu cầu nhân lực của khối AEC được nhận định sẽ phát triển mạnh ở các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh, công nghiệp chế biến và phụ trợ, dệt may, xây dựng, vận tải và nông sản xuất khẩu sẽ hưởng lợi… Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, quá trình mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc ngành được xem là nguyên nhân của sự sụt giảm đáng kể nhu cầu nhân lực ngành này, tuy nhiên đây lại mở ra cơ hội cho nhân sự ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng.

AEC được cho là sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam chiếm tới 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực. Có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực bao gồm, kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Cùng với đó, thị trường lao động Việt Nam đang ở thời kỳ cao điểm trong năm nay khi vừa đón một loạt nhân lực mới tham gia vào từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề trong cả nước.

Lực lượng lao động này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đồng thời, đội ngũ lao động kế cận sẽ phải lựa chọn hướng đi để phù hợp với xu thế khi gia nhập vào thị trường lao động trong vài năm tới.

Thúc đẩy đào tạo

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi), một khảo sát về sự quan tâm đến AEC được thực hiện mới đây với 240 sinh viên của 5 trường đại học, cao đẳng tại thành phố cho thấy, vẫn còn khoảng 1/3 sinh viên không biết đến AEC. Tuy nhiên, trong số sinh viên có biết đến AEC thì có 80,7% cho biết họ quan tâm đến việc thị trường lao động được rộng mở, có nhiều cơ hội việc làm và 54,4% cho biết họ quan tâm đến việc lưu chuyển tự do nguồn lao động có tay nghề; 71,5% số sinh viên tin rằng, AEC sẽ mở ra các cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Số sinh viên chọn công việc đòi hỏi chuyên môn cao cũng chiếm tới 73,8%.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi nhận định, AEC đang khiến không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn. Lao động được tự do di chuyển, mở ra nhiều cơ hội việc làm đặc biệt cho lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Sự tự do di chuyển lao động cũng sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, nhất là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Do vậy, cần thúc đẩy đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận.

Điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và thứ hai là kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, lao động trẻ phải có ý thức trong việc nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa.

Có thể nhận thấy, nhu cầu nhân lực tay nghề cao đang tăng nhanh trong vòng 5 năm tới. Ứng viên có ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn và lĩnh vực giáo dục đào tạo như dạy ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ