Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực công chức cấp xã

GD&TĐ - Công chức cấp xã có vai trò rất lớn trong công tác tham mưu cho UBND và thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh - xã hội, y tế, giáo dục. 

Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực công chức cấp xã

Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan địa phương và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cán bộ làm công tác lao động - xã hội cấp xã đang là một nhiệm vụ được đặt ra.

Đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau

Là lực lượng quản lý Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thế nhưng công chức cấp xã phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, nhịp độ làm việc cao, đặc biệt là phải thực hiện các công việc với nhiều nhóm kỹ năng tác nghiệp khác nhau, từ quản lý, theo dõi, điều tra, xây dựng văn bản báo cáo đến việc thực hiện các công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gia đình, truyền thông... Tuy nhiên, cho đến nay nhìn chung lực lượng công chức cấp xã vẫn còn yếu về trình độ và năng lực công tác.

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 5/2016, cả nước có 11.162 xã, phường, thị trấn và có trên 56.400 công chức cấp xã, trong đó có khoảng 11.900 công chức làm công tác văn hóa - xã hội. Về trình độ học vấn, vẫn còn gần 20% mới tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tiểu học. Về trình độ chuyên môn, có 38,37% tốt nghiệp đại học trở lên, 48,52% tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng, còn 13,12% sơ cấp và chưa được đào tạo.

Đánh giá về thực trạng khó khăn đối với công chức cấp xã hiện nay, ông Lê Văn Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho rằng: Nhận thức của một số tỉnh, thành vẫn chưa coi trọng bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở. Bên cạnh đó là các chính sách thu hút nhân lực chuyên nghiệp về địa phương chưa đủ mạnh, chưa đạt như mong muốn; Việc thu hút, giữ chân cán bộ, công chức giỏi chưa cao, chưa có chính sách thu nhập, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng, đãi ngộ thỏa đáng; Cán bộ, công chức phụ nữ, người dân tộc thiểu số... chưa được chú ý cụ thể và đúng mức trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển cán bộ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, không ít công chức cấp xã trong hệ thống chính trị chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, không được thường xuyên bồi dưỡng bổ trợ kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành chính, tin học và các kỹ năng cần thiết khác cho công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.

Đổi mới tư duy và cách thức đào tạo

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, công chức cấp xã cần phải được trang bị đầy đủ, đồng bộ các kiến thức, kỹ năng cũng như cập nhật hệ thống chính sách về lao động, người có công và xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng bằng cách đổi mới tư duy và cách thức về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng phải hướng đến làm sao để cán bộ mong muốn được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hứng thú với việc học và chủ động học tập, tự bồi dưỡng.

Muốn vậy, việc đào tạo bồi dưỡng phải thực sự hữu ích, phải xuất phát từ những yêu cầu công việc ngày càng cao của người cán bộ, công chức, gắn liền với đòi hỏi về mức độ hoàn thiện và sự gia tăng hiệu quả công việc so với trước khi được đào tạo, tránh hình thức, đối phó.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn cũng như tạo đà cho sự phát triển đào tạo cho các cán bộ từ địa phương, cơ sở thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, người có công ở nước ta, đặc biệt là cán bộ cấp xã trong thời gian tới, cần nỗ lực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, kinh nghiệm trong quản lý cũng như quan tâm xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã ở các địa phương, gắn kết giữa đào tạo với cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ