Đầu tư dự án du lịch theo tiến độ… rùa, ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Nhiều dự án du lịch có quy mô đầu tư lớn, chiếm quỹ đất “khủng”, nhưng sau nhiều năm vẫn bê bết, chưa xong.

Dự án tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chỉ ra có nhiều vi phạm trong việc giải phóng mặt bằng.
Dự án tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chỉ ra có nhiều vi phạm trong việc giải phóng mặt bằng.

Tài liệu xác minh của Giáo dục và Thời đại cho thấy, nhiều dự án du lịch có quy mô đầu tư lớn, chiếm quỹ đất “khủng”, nhưng sau nhiều năm vẫn bê bết, chưa xong. Việc chậm trễ này đang gây bức xúc trong dư luận.

Cho thuê đất không đúng thẩm quyền

Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Làng VHDL) nằm trong khu vực Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, Làng VHDL lúc này có tổng diện tích 1.544 ha (gồm 605 ha đất, 939 ha đất có mặt nước), dự án có 7 khu chức năng gồm: Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí (125,22 ha); Khu Các làng dân tộc Việt Nam (198,61 ha); Khu Di sản văn hóa thế giới (46,5 ha)…

Dự án có mục tiêu là xây dựng một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.

Đồng thời, dự án cũng hướng đến xây dựng một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Tài liệu thu thập được của GD&TĐ cho thấy, sau hàng chục năm, đến nay dự án này vẫn chưa giải quyết dứt điểm diện tích đất 8.600 m2 có liên quan đến Trường Sỹ quan phòng hóa thuộc Bộ Quốc phòng. Dự án còn tồn đọng thanh toán kinh phí đền bù GPMB đối với 16 hộ dân tại khu vực cổng B dự án (tồn đọng của giai đoạn 2004 trở về trước).

Chủ đầu tư dự án chưa lập phương án khảo sát, xác định yêu cầu, quy mô đền bù GPMB trong phần diện tích đất khoảng 68 ha tại khu G2 (khu tái định cư, nông trường) theo quy hoạch, để các hộ dân tiếp tục nuôi trồng, phát triển nông nghiệp.

Xác minh cũng cho thấy, Đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu các làng dân tộc không được công bố công khai. Mới đây, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, xác định dự án có sai sót và tồn tại trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, công tác kiểm soát khối lượng, giá trị nghiệm thu thanh toán.

Thời gian qua, Ban Quản lý Làng VHDL và Công ty Cổ phần Devyt (chủ đầu tư dự án khách sạn Hải cảng Đồng Mô) có ký kết hợp đồng cho thuê đất dự án. Đối chiếu với quy định hiện tại, việc ký kết hợp đồng cho thuê đất của Ban Quản lý Làng VHDL không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 và Thông tư số 333/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính.

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Văn Dinh

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Văn Dinh

Dự án nghỉ dưỡng “đầu voi đuôi chuột”

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec (sau đây gọi tắt là Dự án nghỉ dưỡng Vinconstec) tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế được “vẽ” tổng mức đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, quy mô chiếm đất hơn 70 ha.

Trong số diện tích chiếm đất lớn này, có khu công trình công cộng, dịch vụ thương mại (36 ha); khu resort rộng (26 ha) và khu tái định cư và đất dự trữ phát triển (10 ha).

Theo thiết kế, tại dự án sẽ hình thành 743 căn nhà phố thương mại với diện tích 150 m2/căn; 91 căn nhà biệt thự ven biển; 53 căn nhà biệt thự ven phá Tam Giang. Ngoài ra, dự án còn có 4 tòa nhà là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, resort ven biển và khu tái định cư.

Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Dự án du lịch này từng được kỳ vọng là nơi nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm của du khách trong và ngoài tỉnh đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nếu được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, dự án sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 6/2011. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cơ bản phần thô một số nhà kiểu mẫu, dự án này đã “án binh bất động” từ năm 2012 rồi “bỏ hoang” đến nay.

Dự án nghỉ dưỡng Vinconstec “chết yểu” là do tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến GPMB, thủ tục điều chỉnh quy hoạch không được xử lý dứt điểm, nhà đầu tư không tập trung nguồn lực đầu tư.

Tài liệu của GD&TĐ cho thấy, dự án được “vẽ” với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư dự án mới chỉ ứng trước 3,48 tỷ đồng để thực hiện bồi thường GPMB dự án và còn 14,3 tỷ chưa chuyển cho địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ