Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi để lấy ý kiến xã hội. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định về hình thức đào tạo đại học sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung, chứ không còn là đào tạo chính quy và tại chức như hiện nay.
Cả hai hình thức đào tạo này đều có chung một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra. Đồng thời hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại. Theo Bộ GD&ĐT, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, trong đó có hệ tại chức.
Đào tạo tại chức có thể hiểu là hệ đào tạo dành cho những người đi làm, không có điều kiện học tập trung. Đó là một chủ trương nhân văn, đúng đắn. Nhưng đã từ lâu trong xã hội mặc nhiên thừa nhận bằng tại chức không giá trị như bằng chính quy.
Ví dụ như Đà Nẵng thẳng thừng tuyên bố không tuyển dụng người có bằng đại học tại chức. Đến nay đã có ít nhất bảy địa phương nói không với bằng đại học tại chức. Và mới đây nhất, tỉnh Quảng Ngãi chính thức ra thông báo loại khỏi quy hoạch những cán bộ không có bằng đại học chính quy, kể cả người có bằng thạc sĩ nhưng hệ tại chức.
Nhưng lỗi này không phải do tấm bằng tại chức. Luật Giáo dục và nhiều văn bản dưới luật khác có liên quan đều không phân biệt bằng tại chức với chính quy. Luật Công chức cũng không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức.
Vậy nguyên nhân do đâu mà bằng tại chức bị hắt hủi? Nhiều học viên đã từng học qua các lớp tại chức thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình về cách học, cách kiểm tra của lớp tại chức mà họ đang theo học.
Các học viên kể, suốt khóa học khi có thầy từ Hà Nội hoặc TPHCM đến thì tập trung học vội vài tuần, bao nhiêu kiến thức đổ dồn cùng lúc, người học chỉ ngồi nghe đã mệt chứ lấy đâu ra thời gian suy nghĩ, đào sâu. Học thì vậy, thi thì giáo viên tinh gọn lại còn chừng năm, bảy câu - thật không thể gọn hơn. Ấy vậy mà vào phòng thi hầu như ai cũng phải thủ phao, chờ giám thị ngó lơ là chép… Dạy và học như vậy thì làm sao có chất lượng!
Tình hình dạy và thi ở các lớp tại chức lỏng lẻo không còn là hiện tượng cá biệt. Thời gian qua, đã có nhiều cuộc thanh tra, xử lý các hiện tượng tiêu cực ở các lớp tại chức. Nhưng dư luận cho rằng việc xử lý này chỉ giải quyết phần ngọn, còn muốn chấm dứt nó thì phải thay đổi một phương thức đào tạo mới, phù hợp hơn.
Nâng cao chất lượng đào tạo nói chung không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mục tiêu của mọi nền giáo dục. Bởi mọi công dân khi được hấp thụ một nền giáo dục đàng hoàng về tri thức và đạo đức thì đất nước mới nhanh chóng phát triển.
Từ khá lâu, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, dù có các hệ đào tạo khác nhau nhưng tất cả người học đều phải học chung một chuẩn chương trình và phải qua các kỳ thi tương đương nhau.
Ngày trước ở miền Nam trước 1975, tại các trường đại học ghi danh (sinh viên không phải thi đầu vào) như các đại học Khoa học, Văn khoa, Luật khoa…, người có bằng tú tài là có thể ghi danh (như từ “đăng ký” bây giờ), không phân biệt đó là học sinh vừa học xong bậc trung học, anh thư ký của một cơ quan, chị tiểu thương hay quân nhân tại ngũ…
Về phương thức học, sinh viên có thể đến giảng đường hay học hàm thụ (như “từ xa” bây giờ) nhưng việc kiểm tra, thi cử đều hoàn toàn giống nhau, đều một chuẩn đầu ra. Ở bậc trung học cũng vậy, dù học hệ phổ thông hay bổ túc văn hóa thì học xong lớp 12 tất cả đều phải qua kỳ thi chung tú tài.
Tóm lại, dù đầu vào có thể khác nhau nhưng chuẩn đầu ra là duy nhất. Đó là giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, khi dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, dư luận phần lớn tán thành. Có nghĩa là từ nay việc thực học, thực dạy phải thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng ở mọi nơi, mọi lúc. Xã hội đang trông chờ và kỳ vọng vào sự thay đổi này!