Tại kỳ họp 36, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, nhất là công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Đồng chí Phạm Văn Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT và đồng chí Hoàng Tiến Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, gây bức xúc trong xã hội, để nhiều cán bộ, Đảng viên liên quan bị xử lý hình sự…
Liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đều chịu trách nhiệm người đứng đầu. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Tiến Đức; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Hoàng Văn Chất kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Một lần nữa, những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 lại chạm đến câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu các địa phương. Cấp dưới là lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật, không có nghĩa là người đứng đầu địa phương, chịu trách nhiệm của Chủ tịch Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, trách nhiệm tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, sử dụng cán bộ GD lại vô can.
Nếu ngay từ đầu lãnh đạo địa phương thẳng thắn nhận trách nhiệm, bày tỏ lòng thực tâm quyết liệt giải quyết vụ việc thay vì giấu nhẹm, trốn tránh, có lẽ ngành GD đã không rơi vào khủng hoảng mất niềm tin, gây bức xúc trong xã hội, người dân nhìn nhận rõ vai trò của từng tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để có những đánh giá khách quan, đúng đắn về vụ việc.
Vụ việc sẽ không dừng ở việc xử lý, kỷ luật cán bộ ở tỉnh Sơn La, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ngành GD, các tỉnh sẽ thêm một lần đau, nhưng đây là việc không thể không làm. Còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia 2019, hơn bao giờ hết, xã hội cần có sự “bạch hóa” về vai trò, nhiệm vụ của từng khâu trong kỳ thi, để mỗi người khi nhận nhiệm vụ thấm nhuần vị trí, cẩn trọng trong việc làm của mình, tránh tư duy kiểu đánh trống ghi tên, vui vẻ thì nhận công, xảy ra sai sót thì lại ngồi im trốn tránh như thời gian vừa qua.