Đầu năm nói chuyện… sạch sẽ

GD&TĐ - Không khí Xuân vẫn còn khắp chốn, nói chuyện “sạch sẽ” cũng có khi bị phê bình là “vô duyên”.

Nhà vệ sinh thân thiện với môi trường của Trường Tiểu học Đề Thám (TP Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng). Ảnh: INT
Nhà vệ sinh thân thiện với môi trường của Trường Tiểu học Đề Thám (TP Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng). Ảnh: INT

Nhưng Xuân mới, khí thế mới. Sạch sẽ, tinh tươm là một dấu hiệu của hạnh phúc!

Hồi cuối năm 2022, tôi có thực hiện khảo sát về nhà vệ sinh ở trường học. Trong Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới, có hơn 60 nhà quản lí đã trả lời rằng: Nhà vệ sinh ở trường học của họ rất ổn. Tuy có hư hỏng theo năm tháng, vì tần suất sử dụng rất nhiều, kinh phí eo hẹp, nhưng Hiệu trưởng thực sự quan tâm để duy trì sự sạch sẽ.

Hầu hết, các vị Hiệu trưởng này đều “dạo thăm” nhà vệ sinh của trường mỗi ngày. Họ còn bố trí đủ kinh phí để làm đường nước, thùng đựng rác, bồn cầu,... Nhiều nơi, còn bắc loa phát nhạc ở nhà vệ sinh, trồng cây xanh...

Thế nhưng, khi đọc tin nhắn của một số phụ huynh và học sinh (đã lớn, các cháu tự inbox cho tôi) thì được “khoe” thế này:

- Trường con tôi vẫn để nhà vệ sinh nam kiểu “quán bia hơi” tức là vệ sinh vào đường máng chung, mặc dù cháu học trường rất có tiếng. Tôi biết có người dọn vệ sinh, nước chảy thường xuyên, nhưng mà hành vi đi vệ sinh như vậy rất kém văn minh. Hơn nữa, không cho các cháu đúng trải nghiệm của những công dân ưu tú tương lai được!

- Cháu về thăm trường sau 2 năm, nhà vệ sinh vẫn thế cô ạ. Lúc nào thùng rác cũng ngập ngụa. Sao không thay thùng rác to hơn hoặc rút ngắn thời gian đổ rác. Nhà vệ sinh càng nhem nhuốc, càng tốn giấy. Bọn cháu còn lấy giấy lau bồn cầu nhiều lần rồi mới dám dùng ạ!

Nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Bạch Đằng (TX Tân Uyên – tỉnh Bình Dương). Ảnh: INT

Nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Bạch Đằng (TX Tân Uyên – tỉnh Bình Dương). Ảnh: INT

- Chỗ cháu có nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng lạnh lẽo cô ạ. Vì trường hơi nghiêm khắc. Em cháu bị bêu gương vì tội làm bẩn nhà vệ sinh. Cháu đồng ý là phải phê bình, phải yêu cầu sửa đổi, chẳng hạn: Dọn nhà vệ sinh, hoặc suy nghĩ, đóng góp gì đó giúp nhà vệ sinh sạch. Đằng này bêu tên, với lại chẳng giải thích, giúp đỡ gì... nên bọn trẻ giữ được nhà vệ sinh sạch, thì lại “đi bậy” ở ngay tường rào!

- Chỗ tôi được đầu tư xây mới nhà vệ sinh, hơn 1 năm đã hỏng rồi. Lúc nào cũng tắc, và thiếu giấy, thiếu người dọn. Giờ không mấy ai dám đi vệ sinh ở đấy nữa!

Sau khi tôi bày tỏ ý kiến về việc “nhà vệ sinh ở trường học cần được đảm bảo sạch sẽ”, tôi dẫn ý về việc nhiều nhà vệ sinh vẫn còn ở tình trạng công cộng kiểu “nhà vệ sinh của quán bia hơi”, hay việc thiếu thùng rác, nước, giấy vệ sinh,... đáp ứng được lượng người dùng,... thì tôi nhận được một số ý kiến rằng: “đồng ý với cô, nhưng phải từ từ”.

Tôi không đồng ý sự TỪ TỪ. Tôi cho rằng sự từ từ này chính là chần chừ với SẠCH SẼ. Mà nếu chần chừ với SẠCH SẼ thì hậu quả thế nào?

Điều quan trọng mà tôi muốn bày tỏ là không phải xây mới, làm hiện đại nhà vệ sinh, giáo dục vệ sinh sạch sẽ từ kĩ năng đến nhận thức vận hành của trường học mới là quan trọng! Nên tôi cho rằng không bao giờ được bỏ qua, hay chần chừ đưa giáo dục vệ sinh là tiêu chí “kém được ưu tiên” trong giáo dục: Ở nhà, ở trường.

5 điều Bác Hồ dạy từ lâu:

Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào

Học tập tốt, Lao động tốt

Đoàn kết tốt, Kỉ luật tốt

Giữ gìn Vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, Thật thà, Dũng Cảm!

Và còn thông tin rất thức tỉnh bên mùa Xuân là thế này: Những đứa trẻ hay bất kì ai được giáo dục vệ sinh tốt sẽ là người lịch thiệp, văn minh, hạnh phúc! Đầu Xuân mới, chúc các trường học sạch sẽ. Và các dự án cải tạo nhà vệ sịnh, trường học đặt vấn đề “Sạch, Ấm, Bền vững, Văn minh” là tiêu chí xây dựng, vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ