Dầu mỏ Nga thu lợi kếch xù nhờ… phương Tây

GD&TĐ - Số lượng giếng dầu ở Nga đã tăng mạnh trong năm 2022 và xuất khẩu năng lượng nước này thu lợi nhuận lớn nhờ giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao.

Dầu mỏ Nga thu lợi kếch xù nhờ… phương Tây

Tờ Express của Anh mới đây đã có bài nhận định rằng, Nga đang tận hưởng sự bùng nổ giá dầu mỏ và kiếm được hàng tỷ USD từ việc bán nhiên liệu, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và đặc biệt là hiện tượng các công ty năng lượng khổng lồ Shell và BP của Anh rút khỏi thị trường.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine vào ngày 24/02/2022, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow.

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Moscow, nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản của Nga và kêu gọi từ bỏ năng lượng Nga.

Thế nhưng, tất cả những lệnh trừng phạt này đã không đánh gục được nền kinh tế Nga, mà lại trở thành vấn đề lớn đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.

Theo bài báo, ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga đang vững vàng chống lại áp lực trừng phạt của phương Tây, bởi sản lượng khai thác của nước này đang phục hồi và xuất khẩu kiếm lợi nhiều tỷ USD vì giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao.

Trái với những kỳ vọng của phương Tây khi tung ra các gói trừng phạt nhắm thẳng vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Moscow, việc các công ty châu Âu và Mỹ ra đi đã không phải là đòn giáng vào ngành công nghiệp năng lượng Nga.

Ngược lại, số lượng giếng dầu đã tăng 7% trong năm 2022 và khối lượng khai thác dầu đã nhanh chóng trở lại chỉ số bình thường.

Vào mùa hè năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh vô cùng quan trọng. Theo đó, nhà điều hành dự án Sakhalin-2 là Sakhalin Energy (liên doanh giữa Gazprom, Shell, Mitsui và Mitsubishi) đã được thay thế bằng một pháp nhân mới của Nga, còn khoản có tài sản của công ty này được chuyển sang sở hữu Nhà nước.

Như ghi nhận của Tạp chí Financial Times, quyết định như vậy là “cú búng mũi” đối với các nhà sản xuất nhiên liệu từ các nước không thân thiện, đang cố tẩu tán tài sản của họ một cách nhanh chóng để rút lui khỏi thị trường béo bở ở Nga.

Các chuyên gia được tờ báo Anh phỏng vấn nhận định rằng, cùng với việc khôi phục quy mô và sản lượng khai thác, việc phương Tây cấm các công ty Nga tiếp cận nguồn vốn và kỹ thuật phương Tây đã giúp Nga bảo toàn phần lớn năng lực, tài sản và trở nên thành thục hơn về công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ.

Financial Times nhấn mạnh, trong khi kinh tế Nga không bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt và thậm chí có thể tăng trưởng trong năm tới, thì nền kinh tế Ukraine đang chìm trong khủng hoảng sâu sắc và phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ các đồng minh phương Tây.

Nhiều chuyên gia phương Tây dự đoán rằng suy thoái kinh tế ở Nga sẽ từ 20% trở lên, nhưng trên thực tế, kinh tế nước này chỉ suy giảm khoảng 3-4% và có thể tăng trưởng vào năm tới. Nguyên nhân là do các biện pháp trừng phạt không thực sự mang tính toàn cầu, vì vậy Nga dễ dàng vượt qua chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ