Mới đây, một bé trai 21 tháng tuổi phải vào viện cấp cứu do nuốt phải giấy ăn gây khó thở… Những tai nạn trên không còn là hi hữu với trẻ nhỏ và điều đáng buồn là tất cả đều xuất phát từ sự chủ quan của người lớn.
Người lớn chủ quan, trẻ chịu đau đớn
Trong số các trường hợp kể trên, bệnh nhi bị biến chứng nặng nhất là cậu bé uống nhầm chai hóa chất để trên bàn, cậu được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh Cà Mau điều trị và xuất viện 9 ngày sau đó. Tuy nhiên, kể từ khi ra viện, sức khỏe của bé yếu dần, đặc biệt việc ăn uống trở nên khó khăn khiến cân nặng liên tục sụt giảm. Lúc này, gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trong lúc phẫu thuật đặt ống truyền dưỡng chất, bác sĩ mới phát hiện toàn bộ dạ dày bé bị teo, cơ cứng. Thực quản nối dạ dày và ruột bị bịt kín nên thức ăn không thể lọt qua. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình dạ dày từ ruột non nên có thể tự ăn uống. Tuy nhiên, việc phục hồi sức khỏe còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trường hợp bé gái phải nhập viện cấp cứu bắt nguồn sự chủ quan của người lớn. Sau khi xin uống nước, bé được bà nội đưa cho chai để ở trên bàn. Vừa uống xong, bé ho sặc sụa, nôn ói. Thấy cháu nôn ra chất có mùi nước tẩy móng tay, bà nội tá hỏa phát hiện mình đưa nhầm chai đựng hóa chất thay vì nước lọc cho cháu. Do được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện tỉnh Đồng Nai nên bé không bị biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe...
Làm sao để giảm
Với trẻ nhỏ, hóc do dị vật và ăn, uống nhầm là tai nạn thường gặp nhất. Với dị vật đường thở, phần lớn là các loại hạt, mảnh đồ chơi, đồ ăn, đồng xu… được trẻ cầm chơi và tiện cho vào mồm. Một số trẻ khác bị ngộ độc do ăn, uống nhầm như hóa chất, thuốc diệt côn trùng.
Dù trẻ bị tai nạn thương tích dạng nào cũng đều có bóng dáng của người lớn phía sau. Người lớn do tiện, tiết kiệm nên tận dụng các chai nhựa đựng nước đã hết để đựng hóa chất, đựng các loại thuốc uống, thuốc diệt côn trùng, thậm chí là thuốc trừ sâu. Việc tận dụng trên không có gì để nói nếu như người lớn cẩn thận dán tên hóa chất lên vỏ chai và cất vào góc khuất hay nơi nào đó trẻ không tìm thấy. Nhưng từ các vụ ngộ độc của trẻ mới thấy, nhiều bậc cha mẹ chủ quan, thậm chí hớ hênh để đồ vật nguy hiểm trên lẫn với chỗ để đồ ăn, chỗ trẻ dễ nhìn thấy nên tai nạn đáng tiếc mới xảy ra liên tục như vậy. Cũng có trường hợp trẻ ngộ độc từ thức ăn, đồ uống người lớn đưa cho nhưng chủ quan không kiểm tra trước.
Vẫn biết tai nạn trong sinh hoạt khó tránh khỏi. Nhưng với người lớn, tai nạn ít xảy ra hơn. Còn với trẻ nhỏ, tai nạn liên quan đến sự chủ quan của người lớn không chỉ nhiều về số vụ mà còn gây hậu quả khôn lường. Có những trẻ may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời, không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng có trẻ phải trả giá bằng sức khỏe, bằng tính mạng và tương lai phía trước. Xin lấy lời khuyến cáo của các bác sĩ để cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, người trông nom, chăm sóc trẻ: Tuyệt đối không dùng chai đựng nước giải khát để dựng hóa chất, xăng, dầu. Những chai lọ chuyên để đựng hóa chất cần để nơi trẻ không tìm thấy, không thể với tới. Nếu không, chỉ một phút chủ quan của người lớn, trẻ sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, bằng tương lai của các em.