Vì sao công chúa thời xưa khi phải đi hòa thân đều không muốn sinh con dưỡng cái? Trong lòng những mỹ nhân này phải chăng có chuyện xưa chua xót? Chúng ta hôm nay cùng tìm hiểu xem.
Theo ghi chép, vào thời cổ đại, những công chúa được sinh ra trong cung điện nguy nga, lộng lẫy, từ khi lọt lòng đã được mặc gấm vóc lụa là, ăn sơn hào hải vị. Vì vậy, ai cũng ao ước, khát khao mình có số mệnh được làm công chúa, làm cành vàng lá ngọc.
Thế nhưng, người thường không bao giờ hiểu được nỗi khổ sở, sự đáng sợ của cuộc sống trong cung cấm sơn son thiếp vàng.
Những nàng công chúa có thể cũng từng vui sướng, vì họ được nâng niu, cưng chiều từ nhỏ. Thế nhưng đến tuổi cập kê, bất luận là công chúa được yêu thương, sủng ái đến mức nào, cũng phải đối mặt với những cuộc hôn nhân chính trị.
Thời xưa, để củng cố vương triều vững chắc, những nàng công chúa xinh đẹp như hoa, như ngọc chắc chắn sẽ trở thành nhân vật hy sinh, thường bị đưa đến các nước lân cận để hòa thân, giữ tình hữu hảo.
Trước đây, vì các triều đại có mối quan hệ đặc thù với các vùng tự trị, việc hôn nhân chính trị đặc biệt quan trọng. Các nàng công chúa đã quen sung sướng cũng sẽ bị gả đến cho các thủ lĩnh của các bộ tộc vùng tự trị.
Từ lúc ấn định hôn ước, cuộc sống của các nàng công chúa sẽ bước sang một trang mới, hoàn toàn không biết sướng hay khổ, họa hay phúc. Vì trước khi đến được nhà chồng, những nàng công chúa này thậm chí còn không biết mặt mũi chồng như thế nào, tính cách ra sao.
Hôn nhân chính trị, bản thân mỗi nàng công chúa đều là một quân cờ, rất khó có thể phát sinh tình cảm vợ chồng thực sự.
Có nhiều sử gia cho rằng, sở dĩ những công chúa hòa thân không muốn có con, lý do đầu tiên là bởi bản thân những công chúa này thực sự không muốn.
Dù nhà chồng có tốt đến mấy, cũng không thể so sánh với hoàng cung. Huống chi lạ đất lạ nước, những công chúa này không có tâm tư sinh con dưỡng cái.
Lý do thứ hai, bản thân mỗi nàng công chúa đều ý thức được, những cuộc hôn nhân chính trị đa phần đều không vững chắc. Bởi vì chính họ cũng không biết, đến tột cùng lúc nào, chồng của họ, nhà chồng của họ sẽ khai chiến cùng cha mình. Nếu như lúc đó có con cái, con cái sẽ khiến các nàng bị mắc kẹt ở giữa, không biết nên chạy trốn hay ở lại, vô cùng khó xử.
Lý do thứ ba, đó là do lúc này thân phận của các nàng đã hoàn toàn thay đổi, họ sẽ không bao giờ còn là công chúa lá ngọc cành vàng, được vua cha cưng chiều như trước mà đã trở thành Vương phi thông thường của các thủ lĩnh.
Không chỉ như vậy, các thủ lĩnh của các bộ tộc vùng tự trị cũng không nguyện ý sinh con cùng các công chúa hòa thân. Thông thường, ý chí của các thủ lĩnh này rất mạnh, nếu chịu có con cùng công chúa, không khác nào có ý tứ thần phục hoàn toàn vương triều ở vùng Trung Nguyên.
Vì thế, khi các công chúa hòa thân có mang thai, dù là chồng, những thủ lĩnh này cũng sẽ nghĩ mọi biện pháp để các nàng sảy thai.
Lý do cuối cùng, cũng là lý do mấu chốt nhất, có lẽ nằm ở tập tục của các bộ tộc vùng tự trị. Thông thường, tại các bộ tộc này, khi thủ lĩnh chết, con trai họ sẽ được thừa kế toàn bộ của cải và dàn hậu cung của cha.
Được giáo dưỡng từ bé, đa số các nàng công chúa hòa thân đều không thể chấp nhận được sự sỉ nhục này.
Để tránh cho con cái mình cũng phải chịu đựng tập tục cổ hủ, đáng sợ đó, các công chúa tình nguyện không sinh con, dù cô đơn, không chỗ dựa cũng cắn răng sống lẻ loi đến khi lìa đời.