Theo một báo cáo được công bố ngày 18/2 bởi nền tảng bất động sản REALM và công ty thông tin tài chính Wealth-X, New York thu hút 24.660 người với giá trị tài sản trên 30 triệu USD vào tháng 12/2020. Xếp sau đó là Los Angeles với 16.295 chủ hộ siêu giàu, tiếp đó là London, Hồng Kông và Paris.
Báo cáo cho biết: “Nền kinh tế khu vực lớn nhất ở Mỹ đứng đầu cả về số lượng cá nhân có giá trị ròng cực cao tính theo nơi cư trú chính và phụ. Điều này phản ánh vị thế của New York như một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu với sự pha trộn phong phú giữa các nền văn hóa với lối sống sang trọng, giáo dục chất lượng cao và bất động sản hàng đầu.”
Joanne Nemerovski - cố vấn bất động sản hạng sang của Compass ở Chicago cho biết: “Đại dịch đã thiết lập thị trường tốt nhất cho những ngôi nhà thứ hai và thậm chí thứ ba trong thị trường bất động sản hạng sang.”
Tuy nhiên, sự nổi bật của các khu dân cư thứ hai và thứ ba trong số những người siêu giàu ở các thành phố như New York có thể là một bất lợi cho nền kinh tế hậu đại dịch. Làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều chủ nhà giàu có chuyển nơi cư trú chính đến các khu vực có thuế thấp hơn, ấm hơn như là Texas và Florida. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến ngân sách những nơi ở cũ của họ.
Theo báo cáo của Bloomberg vào năm 2020, 1% người dân New York hàng đầu trả 42,5% tổng thuế thu nhập của thành phố. Điều này có nghĩa rằng nếu những người này thay đổi nơi ở chính, nền kinh tế của New York có thể nhận một đòn tài chính lớn.
Giá nhà đất cũng đang giảm ở Manhattan kể từ đại dịch. Do đó, người mua có thể lựa chọn việc chuyển đến các thành phố khác ít tốn kém hơn, khiến những điểm nóng của những nhà siêu giàu có nguy cơ mất một khoản thuế đáng kể.
Nói cách khác, New York vẫn là thành phố số một dành cho những chủ nhà siêu giàu nhưng đây có thể không phải là nơi ở chính của họ.