Dấu hiệu trở nặng của F0 khi điều trị tại nhà cần báo ngay cho y tế

GD&TĐ - F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho nhân viên y tế khi có một trong những dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi.

F0 điều trị tại nhà cần chú trọng theo dõi SPO2, huyết áp và nhịp thở.
F0 điều trị tại nhà cần chú trọng theo dõi SPO2, huyết áp và nhịp thở.

Hoặc, ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.

Hơn 10 nghìn F0 điều trị tại nhà

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội đang theo dõi và điều trị cho 20.288 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn. Con số này đã tăng 13,8% so với trung bình 7 ngày trước đó. Sau khi triển khai theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà, Hà Nội đang có 10.347 trường hợp được điều trị ở nơi cư trú, chiếm hơn 50% tổng ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Trong khi đó, 5.092 trường hợp đang được điều trị tại khu cách ly và 4.789 người được chăm sóc tại các bệnh viện trên địa bàn. Trong số F0 được điều trị tại bệnh viện, 3.050 trường hợp ở thể nhẹ và không xuất hiện triệu chứng (chiếm khoảng 63%). Nhóm mắc bệnh ở mức độ trung bình gồm 1.428 người.

Số bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội hiện là 311, chiếm 6,5%. Con số này đã tăng 19,6% so với trung bình 7 ngày trước đó. Kết quả này được cho là điều tất yếu, trong bối cảnh số ca mắc mới của thành phố tăng nhanh trong thời gian qua. Trong số bệnh nhân diễn biến nặng, có 268 trường hợp đang phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 người thở oxy dòng cao (HFNC), 9 ca thở máy không xâm lấn và 24 người thở máy xâm lấn.

Phân biệt dấu hiệu trở nặng và hồi phục

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19. Các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm nCoV cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận và điều trị kịp thời. Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ. Đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm vắc-xin Covid-19.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phải sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Mỗi cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 phải sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.
Sở Y tế Hà Nội đặc biệt yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, đảm bảo F0 được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Sau khi sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Theo Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 do Sở Y tế Hà Nội ban hành vào đầu tháng 12, F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho nhân viên y tế khi có một trong những dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi. Hoặc, ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.

Ngoài ra, những dấu hiệu khác bao gồm người lớn có nhịp thở bằng hoặc trên 21 lần/phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi nhịp thở bằng hoặc trên 40 lần/phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhịp thở bằng hoặc trên 30 lần/phút. Lưu ý ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong vòng một phút khi trẻ nằm yên không khóc.

SpO2 dưới 95% (nếu có thể đo), khi phát hiện bất thường thì đo lại lần hai sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo. Mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Huyết áp (nếu có thể đo): Huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu trên 60 mmHg.

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khó, li bì, khó đánh thức, co giật. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh- cho biết, một số triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 thường gây lo lắng. Tuy nhiên, thực tế, một số triệu chứng là báo hiệu cho thấy, bệnh nhân sắp hồi phục.

Một trong số đó bao gồm mất mùi, mất vị. Trong trường hợp này, bác sĩ Khanh khuyến cáo, F0 có thể hít tinh dầu 2 - 3 lần/ngày. Ngoài ra, tình trạng mắt đỏ hoặc phát ban ở trẻ cũng gây lo lắng. Khi bị đỏ mắt, người bệnh có thể nhỏ nước muối sinh lý hay kháng sinh. Trong khi đó, trẻ sẽ tự khỏi sau khi phát ban.

Trong khi đó, theo chuyên gia này, triệu chứng khiến nhiều bệnh nhân lo lắng nhất là nặng ngực. Tuy nhiên, tình trạng này thường là do stress. Yếu tố quan trọng là SPO2 tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...