Trong một động thái được đánh giá là gay gắt nhất với Israel kể từ đầu cuộc xung đột tại Gaza đến nay, ngày 9/5 Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho Israel nếu quân đội Do Thái vẫn quyết tấn công thành phố Rafah. Đây cũng là thành phố cuối cùng ở Gaza mà Israel chưa “cày xới” để tiêu diệt lực lượng Hamas.
Israel trước đó nhiều lần khẳng định sẽ vẫn mở chiến dịch vào Rafah để “nhổ tận gốc” lực lượng Hamas, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế và đồng minh Mỹ. Những bức ảnh vệ tinh trong các ngày từ 7/5 đến nay cho thấy Israel không hề có ý định từ bỏ kế hoạch này và có dấu hiệu họ sẽ chuyển từ không kích sang tấn công trên bộ vào thành trì cuối cùng của Hamas ở phía Nam Dải Gaza.
Một số tòa nhà bên ngoài cửa khẩu Rafah đã bị san phẳng để trở thành nơi tập kết phương tiện chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Đây là vị trí mang tính huyết mạch kết nối giữa thành phố Rafah ở cực Nam Gaza với nước láng giềng Ai Cập. Giai đoạn đầu của cuộc xung đột, quân đội Israel cũng có động thái tương tự khi tập kết phương tiện để tấn công vào thành phố Gaza ở phía Bắc dải đất này.
Thời điểm đó, quân đội Israel cũng không kích dọn đường trước khi mở chiến dịch trên bộ vào thành phố Gaza tương tự như đang làm với Rafah. Nhưng khác với lần trước, lần này chiến dịch tấn công của Israel gặp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn từ quốc tế, trong đó có cả Mỹ vốn là đồng minh cung cấp vũ khí cho Israel. Nguyên nhân vì bối cảnh nhạy cảm về nhân đạo của thành phố Rafah.
Sau hơn 7 tháng xung đột, hơn một triệu người Palestine đã bị dồn từ khu vực phía Bắc chạy xuống phía Nam để tìm nơi ẩn náu tại Rafah. Do đó, thành phố này bị biến thành trại tị nạn khổng lồ nhất thế giới hiện nay và chiến dịch quân sự vào đây khiến thế giới lo ngại sẽ gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp. Nhưng chính bối cảnh đó cũng là cơ hội cho lực lượng Hamas có thể bảo vệ những cơ sở cuối cùng sau một thời gian dài chịu sức ép ghê gớm từ quân đội Israel.
Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu là xóa sổ hoàn toàn lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Nếu không giải quyết những lực lượng còn lại của Hamas tại Rafah thì mục tiêu quân sự trong chiến dịch của Israel sẽ khó lòng đạt được.
Các dấu hiệu cho thấy Israel dường như chấp nhận sự rạn nứt với đồng minh Mỹ để quyết thực hiện mục tiêu đánh bại Hamas của mình. Tổng thống Mỹ Biden cũng không chỉ “cảnh báo suông” khi một quan chức Mỹ xác nhận hôm 7/5 rằng, nước này đã tạm dừng chuyển cho Israel lô vũ khí gồm 1.800 quả bom loại 2.000lb (907kg) và 1.700 quả bom 500lb (226kg) do lo ngại kế hoạch tấn công Rafah của Israel.
Động thái rạn nứt rõ ràng và đầu tiên này giữa Mỹ và Israel càng phản ánh thế khó của Chính phủ Israel do ông Netanyahu đứng đầu. Ở trong nước ông cũng đang chịu sức ép phải tập trung vào giải cứu nốt số con tin đang bị Hamas bắt giữ thay vì bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế để tiêu diệt bằng được lực lượng này. Giờ đây với phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, thế khó của ông lại càng thêm chồng chất.