Dấu hiệu nhận biết và biến chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ

GD&TĐ - Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, trong đó thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt vào thời điểm giao mùa.

Khám Tai Mũi Họng bằng kỹ thuật cao. Ảnh:Phương Châu.
Khám Tai Mũi Họng bằng kỹ thuật cao. Ảnh:Phương Châu.

Nếu diễn tiến kéo dài có thể gây suy giảm thính lực và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Cha mẹ hãy trang bị thêm những thông tin về dấu hiệu và cách điều trị viêm tai giữa để có cách xử trí khi trẻ mắc bệnh.

Biến chứng thường gặp

Viêm tai giữa do tích tụ dịch mủ nên thường ảnh hưởng tạm thời đến thính lực khiến người bệnh nghe không rõ. Đây là tình trạng nghiêm trọng mà nhiều người thường nhầm lẫn và chủ quan.

Chị Lê Hương Giang, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) chia sẻ, con gái học lớp 1 thường xuyên bị mũi họng dẫn đến viêm tai giữa. Nhiều lần trẻ sốt cao đưa đi khám cũng chuẩn đoán bị bệnh này và phải nghỉ học bởi một số biến chứng gây nên.

Viêm tai giữa là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai, hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường. Đây là bệnh thường gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhiều nhất là trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng (Khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, viêm tai giữa là bất kỳ tình trạng viêm nào của tai giữa với nhiều thể lâm sàng diễn tiến theo thời gian, căn nguyên, triệu chứng và dấu hiện thực thể. Đó là viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mạn tính.

Viêm tai giữa cấp tính khởi phát đột ngột, rầm rộ với những biểu hiện cấp tính như đau tai, chảy mủ tai, tiêu chảy, sốt, cáu gắt, khó chịu, chán ăn. Viêm tai giữa thanh dịch thường theo sau những đợt viêm tai giữa cấp.

Bệnh diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Khi diễn tiến kéo dài mà không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ tiến đến viêm tai giữa mạn tính với biểu hiện chảy mủ tai dai dẳng, ù tai thường xuyên kèm giảm thính lực.

Thủng màng nhĩ là một trong những biến chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa. Màng nhĩ bị căng phồng do chất dịch ứ đọng phía sau, gây ra các cơn đau khó chịu và khiến người bệnh bị sốt.

Theo thời gian, màng nhĩ sẽ bị tổn thương nặng hơn, dẫn đến thủng do tình trạng căng phồng quá mức. Khi đó, dịch từ trong tai giữa sẽ thoát ra ngoài, không còn áp lực nên các cơn đau tai cũng sẽ thuyên giảm dần.

Nếu kích thước lỗ thủng không quá lớn thì màng nhĩ có thể tự liền lại. Có đến 90% trường hợp thủng màng nhĩ tự lành sau một thời gian. Tuy nhiên, khi viêm tai giữa đã trở thành mãn tính, các lỗ thủng của màng nhĩ sẽ không thể tự hồi phục, gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh.

Viêm tai giữa cũng có thể biến chứng thành áp xe tai. Đó là những khối u chứa mủ hình thành bên trong hoặc xung quanh vùng viêm. Tình trạng này gây ra những cơn đau khó chịu ở tai và khiến người bệnh bị sốt do nhiễm trùng. Đôi khi, áp xe tai có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, biến chứng này phải cần tới sự can thiệp y khoa để chữa trị.

Viêm tai giữa mãn tính còn có thể khiến chất nhầy cùng lớp vẩy vụn tích tụ bên trong ống tai. Nếu không được điều trị, những chất này sẽ ngày càng dày lên và khô cứng, gây ra tình trạng hẹp ống tai, che khuất màng nhĩ, ù tai và suy giảm thính lực. Ngoài ra, biến chứng của viêm tai giữa là viêm xương chũm cấp và mãn tính, liệt mặt, xẹp nhĩ,…. Ngoài ra, còn dẫn đến biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên…

Theo bác sĩ Hằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa, phổ biến như biến chứng từ các bệnh lý đường hô hấp trên. Do có lối thông trực tiếp mà viêm tai giữa dễ biến chứng từ các bệnh như viêm mũi, viêm họng, u xơ vùng vòm mũi họng, u nang bẩm sinh,...

Viêm tai giữa cũng dễ gặp hơn ở những người tiếp xúc nhiều với khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất khiến niêm mạc hô hấp trở nên nhạy cảm. Một số ít trường hợp viêm tai giữa do vệ sinh tai không tốt, sử dụng dụng cụ vệ sinh tai làm tổn thương niêm mạc tai trong và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập tấn công.

Nguyên nhân nữa là do thay đổi áp lực đột ngột như khi lặn sâu hoặc khi đi máy bay. Ô nhiễm môi trường càng tăng, kéo theo sự gia tăng về các bệnh tai mũi họng cũng gây bệnh viêm tai giữa.

“Nguyên nhân quan trọng nhất gây ra viêm tai giữa ở trẻ nhỏ là do sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ ở lứa tuổi và do sự chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch của chúng. Các triệu chứng thực thể của viêm tai giữa cấp bao gồm màng nhĩ phồng hoặc không di động khi bơm khí vào tai, dịch chảy ra từ tai”, bác sĩ Hằng cho biết.

Viêm tai giữa cấp là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột, nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập ở tai giữa. Ảnh minh họa

Viêm tai giữa cấp là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột, nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập ở tai giữa. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết

Theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 3 trẻ thì có 2 trẻ mắc ít nhất một đợt viêm tai giữa khi trẻ 1 tuổi. Có khoảng 20 triệu lượt khám bệnh viêm tai giữa hàng năm. Tỷ lệ lưu hành viêm tai giữa cấp tính là 17 - 20% trong 2 năm đầu đời. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở cả 2 giới trong độ tuổi từ 6 - 18 tháng tuổi.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn (Phòng khám Tai Mũi Họng Hà Nội) cho biết, viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng như trẻ sốt, thường là sốt cao 39 - 40 độ C. Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật. Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.

Trẻ bị viêm tai giữa cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa. Theo đó, trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt. Các em bé có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân, tiêu chảy và nôn đều phải được khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh viêm tai giữa cấp.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng. Lúc này, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được. Thực ra lúc này bệnh không thuyên giảm mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với dấu hiệu rất quan trọng là chảy mủ tai.

Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính, cùng với nguy cơ biến chứng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Viêm tai giữa ở người lớn thường ít nguy hiểm hơn so với trẻ nhỏ, vì thế mà ít người quan tâm và chủ động phòng ngừa, điều trị. Triệu chứng viêm tai giữa ở người lớn dễ nhận biết, chỉ cần phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi mà không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Ngô Văn Tuấn, triệu chứng viêm tai giữa ở người lớn bao gồm cảm giác đau nhức trong tai thường xuyên khiến người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, khả năng học tập và làm việc.

Đồng thời, còn gây đau đầu kéo dài, cơn đau diễn ra ngay cả khi nghỉ ngơi, có thể khiến người bệnh mất ngủ và gây mệt mỏi kéo dài cho cơ thể. Cơ thể sốt nhẹ đến sốt vừa, sức khỏe suy giảm, thường xuyên mệt mỏi, mất nước. Thường xuyên cảm thấy ù tai, có dịch trong tai, nghe không rõ hoặc có thể bị chảy dịch từ tai.

Viêm tai giữa ở người lớn tiến triển theo 3 giai đoạn, đầu tiên là giai đoạn sung huyết, sau đó là ứ mủ và vỡ mủ. Tùy từng giai đoạn bệnh mà phương pháp điều trị cũng khác nhau. Vì vậy bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả nhanh chóng.

Viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết thường chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh toàn thân và thuốc giảm đau. Nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý mũi họng sẽ cần kết hợp điều trị.

Bệnh khi đã chuyển sang giai đoạn ứ mủ, điều trị bằng thuốc kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng không thể giải quyết bệnh hoàn toàn. Cần loại bỏ dịch mủ ứ đọng bằng phẫu thuật trích rạch màng nhĩ. Cùng với đó là các thuốc điều trị giống như giai đoạn đầu. Tùy theo triệu chứng bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị khác nhau.

Nếu viêm tai giữa không được điều trị sớm ở hai giai đoạn đầu, bệnh sẽ tiến triển khi dịch mủ ứ đọng nhiều, tự phá vỡ phần mỏng của màng nhĩ để chảy ra ngoài. Nguy cơ biến chứng ở giai đoạn này rất cao, việc điều trị cũng khó khăn nên bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nhập viện điều trị và theo dõi.

BS NGÔ VĂN TUẤN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.