Dấu hiệu nhận biết trẻ gặp bất thường về tâm lý

GD&TĐ - Việc bắt nạt trực tuyến, mạng xã hội làm gia tăng vấn đề tâm thần trẻ em, trẻ vị thành niên.

Nếu căng thẳng kéo dài, tích luỹ, trẻ có nguy cơ trầm cảm.
Nếu căng thẳng kéo dài, tích luỹ, trẻ có nguy cơ trầm cảm.

Song, đây cũng là một tín hiệu tích cực. Bởi, điều đó cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em đang ngày được quan tâm hơn.

Bắt nạt trực tuyến gia tăng nguy cơ tự sát

Mới đây, vụ việc Y.N., nữ sinh lớp 10 (Nghệ An), nghi tự tử do bạo lực học đường đã khiến dư luận nhói lòng. Làm sao để nhận ra những bất thường trong tâm lý của trẻ luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh quan tâm.

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), cho biết, hiện nay, số lượng trẻ được đưa đến bệnh viện thăm khám, can thiệp tâm lý ngày càng tăng.

Song, thực tế, đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi, điều đó cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt đang ngày được quan tâm nhiều hơn. Trước kia, có những vấn đề về tâm lý của trẻ mà phụ huynh cho rằng, cứ để chờ vài ngày các em sẽ tự hết.

Song, hiện nay, đã có những phương pháp khoa học, giúp các em vượt qua khó khăn về mặt cảm xúc, mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho trẻ.

Theo chuyên gia này, một số nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng tình trạng này. Trong đó, có thể kể đến bối cảnh truyền thông phát triển, nhận thức xã hội quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần trẻ, áp lực cuộc sống, áp lực học tập thi cử, kỳ vọng bản thân cũng như cha mẹ, mối quan hệ, mối tương tác với thầy cô, bạn bè, nguy cơ của xã hội.

“Thời đại 4.0 công nghệ thông tin phát triển, việc bắt nạt trực tuyến, mạng xã hội làm gia tăng vấn đề tâm thần trẻ em, trẻ vị thành niên. Một nghiên cứu cho thấy, tình trạng bị bắt nạt trực tuyến làm gia tăng nguy cơ tự sát ở sinh viên”, chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết.

Dấu hiệu nhận biết

Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%. Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 là sang chấn tâm lý tập thể, ảnh hưởng không chỉ với bệnh nhân, nhân viên y tế, mà còn toàn thể nhân loại.

Bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng dù trực tiếp hay gián tiếp. Tình trạng căng thẳng do đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em.

Chuyên gia này dẫn chứng, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đại dịch làm tăng rối loạn lo âu, căng thẳng, đảo lộn cuộc sống gia đình. Đặc biệt, việc mất đi người thân sau đại dịch là một tổn thất lớn, không bao giờ bù đắp được, gây nhiều căng thẳng về mặt tinh thần cho trẻ.

Ngoài ra, việc chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến khiến trẻ bỡ ngỡ. Trong thời đại dịch, trẻ thường ở trong nhà, không có tương tác xã hội, mất mát người thân do dịch… Điều đó khiến các em có thể rối loạn căng thẳng sau sang chấn, ám ảnh đi vào giấc mơ, cuộc sống của trẻ.

“Tuy nhiên, có những vấn đề luôn tồn tại, không phụ thuộc vào đại dịch, ví dụ như các em tự kỷ, tăng động kém tập trung, chậm phát triển. Song, sau dịch, nhiều trẻ được đưa đến phòng khám để đánh giá. Điều đó góp phần gây gia tăng trở lại số lượng trẻ có vấn đề tâm lý”, ông Thiện chia sẻ.

Theo chuyên gia này, phụ huynh cần nhận ra sự thay đổi bất thường trong tâm lý trẻ một cách kịp thời. Ví dụ, trẻ có sự thay đổi so với hằng ngày, như bất thường trong hoạt động sống, kết quả học tập giảm sút, trở nên cáu gắt, căng thẳng với gia đình, thu mình lại… Những dấu hiệu này đều được coi là bất thường trong hoạt động sống của trẻ.

Ngoài ra, cần nhận biết dựa trên các yếu tố về mặt nhận thức, suy nghĩ. Cụ thể, trẻ có suy nghĩ tiêu cực, luôn thấy bản thân có lỗi, không được yêu thương. Trẻ cũng có thể cho rằng mình là người tồi tệ, xấu xa, luôn buồn phiền quá mức, căng thẳng kéo dài.

Thậm chí, trẻ có hành vi gây hấn, đánh nhau với người khác, không tương tác giao tiếp. Một dấu hiệu khác là trẻ thường than phiền như đau đầu, chóng mặt, khó thở. Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện bất thường khi trẻ đi khám chuyên khoa. Đặc biệt, một dấu hiệu cần lưu ý ở trẻ trầm cảm đó là các em có thể trở nên cáu kỉnh, kích động, hiếu động, phá phách.

“Giai đoạn nào cũng có nguy cơ rối loạn ở từng độ tuổi. Từ khi chào đời đến trước 6 tuổi, nguy cơ thường tập trung ở sự phát triển của các em, như rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển, tự kỷ…

Khi vào lớp 1, từ môi trường gia đình sang học tập với kỷ luật, trẻ có nguy cơ chậm phát triển, tăng động kém tập trung… Giai đoạn dậy thì, trẻ có nhiều mối quan hệ xã hội, vấn đề áp lực nhóm. Những yếu tố đó sẽ trở thành chủ đề nóng”, chuyên gia giải thích.

Cụ thể, ở tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi về mặt hormone, sinh lý cơ thể cũng có thể tác động đến tâm lý. Điều đó dễ dẫn đến trầm cảm, lo âu, phá phách, hoặc hành vi tiêu cực lên bản thân.

Đặc biệt, tình trạng tự sát gia tăng nhiều ở giai đoạn vị thành niên và trưởng thành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giai đoạn nào cũng có vấn đề nổi trội cần quan tâm và kịp thời phát hiện.

“Nếu căng thẳng kéo dài, tích lũy đến thời điểm nào đó, trẻ có nguy cơ bị rối loạn nặng hơn như trầm cảm, bất thường về tinh thần. Nếu không can thiệp kịp thời, thì có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Trẻ có thể tự hại bản thân, tự sát hoặc gây hại cho người khác.

Sự bất thường sẽ tích luỹ từng ngày, chứ không thể xuất hiện chỉ qua một đêm. Thông qua đời sống, cha mẹ cần lắng nghe chia sẻ của trẻ. Đừng đợi đến khi sự bất thường xuất hiện mới can thiệp. Bởi, điều đó sẽ gây khó khăn”, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện dẫn chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ