Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh tuổi vị thành niên là hết sức quan trọng, cần sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh lẫn nhà trường.

Những người tham gia ngoại khóa viết cảm xúc lên cây tinh thần.
Những người tham gia ngoại khóa viết cảm xúc lên cây tinh thần.

Đây cũng là vấn đề nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Việt Anh và Lê Dương Khánh Huyền (học sinh Lớp 9A Trường Liên cấp HNQT iSchool Quảng Trị).

Giúp học sinh giải tỏa áp lực học tập

Trong những năm qua, sức khỏe tinh thần đang trở thành vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trong đó, sức khỏe tinh thần của giới trẻ, lứa tuổi vị thành niên - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cũng là chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Trên thực tế, khi những áp lực đến từ học tập, thi cử, gia đình, bạn bè đồng trang lứa,... đè nặng, cũng như những tác động từ tâm sinh lý lứa tuổi, khiến cho học sinh luôn trong trạng thái căng thẳng, từ đó dẫn đến khó đạt được thành tựu và những ý nghĩa trong cuộc sống.

Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi vị thành niên là hết sức quan trọng.
Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi vị thành niên là hết sức quan trọng.

Đã có không ít những vụ việc thương tâm xảy ra liên quan đến học sinh do bị áp lực học tập dẫn đến trầm cảm, xáo trộn tâm lý. Xuất phát từ các vấn đề thực tiễn, nhóm học sinh của Trường Liên cấp HNQT iSchool Quảng Trị đã thực hiện nghiên cứu: “Các giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần lứa tuổi vị thành niên”.

Bằng việc tuyên truyền, vận động học sinh thay đổi cách nhìn về sức khoẻ tinh thần, nhóm nghiên cứu mong muốn đưa ra một số khuyến nghị cho học sinh, cán bộ giáo viên nhân viên học đường trong việc thay đổi thái độ và cách nhìn nhận về vấn đề này.

Hoạt động truyền thông mạng xã hội thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Hoạt động truyền thông mạng xã hội thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Em Lê Dương Khánh Huyền – tác giả dự án chia sẻ: “Xuất phát từ một học sinh rụt rè, có tuổi thơ mang nhiều tổn thương đã tạo động lực thúc đẩy em tham gia và thực hiện dự án. Dưới sự chung tay của tất cả thành viên nhóm và sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo đã giúp em trưởng thành hơn. Em rất vui mừng vì sản phẩm tinh thần đầu tay của chúng em bước đầu đã chạm đến tâm tư và phần nào giúp cải thiện tinh thần của các bạn xung quanh mình. Chúng em cũng còn nhiều ý tưởng ấp ủ trong tương lai gần để thực hiện và mong muốn được lan tỏa dự án này hơn nữa”.

Bạn ơi ổn không?

Đây là tên của dự án được các bạn lựa chọn, nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Ngọc Thiên Trang – giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Trường Liên cấp HNQT iSchool Quảng Trị.

Hoạt động ngoại khóa trên lớp thu hút hàng trăm học sinh tham gia.
Hoạt động ngoại khóa trên lớp thu hút hàng trăm học sinh tham gia.

Theo cô giáo Trần Ngọc Thiên Trang, để triển khai dự án, nhóm đã thành lập CLB Bạn Ơi Ổn Không? dưới sự cố vấn của giáo viên tâm lý, giáo viên hướng dẫn dự án nhằm thu hút sự quan tâm, cũng như lan toả kiến thức về sức khỏe tinh thần và những nội dung tích cực như: cách vượt qua áp lực, lo âu, giải tỏa căng thẳng,... để hướng tới cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, ý nghĩa, nhằm xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn.

Tiếp đó, nhóm đã tổ chức rất nhiều hoạt động: Thiết kế mini book song ngữ; tổ chức hoạt động sinh hoạt đầu giờ với chủ đề “Sức khỏe tinh thần”; tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Tớ đã vượt qua áp lực, căng thẳng như thế nào; tổ chức hoạt động ngoại khóa “Bạn ơi ổn không?” với chuyên gia tâm lý; thành lập “Phòng tĩnh lặng” (Quiet Room): nơi học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên có thể cân bằng cảm xúc bằng các hoạt động nghe nhạc êm dịu, gửi tâm tư vào “Hòm thư ký gửi nỗi buồn”, cây biết ơn, góc vẽ,…

Học sinh tham gia ngoại khóa Trường học lành mạnh.
Học sinh tham gia ngoại khóa Trường học lành mạnh.

Trong đó, hoạt động vì cộng đồng - Điều kỳ diệu từ những chiếc ôm thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Nhóm nghiên cứu đã gửi tặng cho mọi người tham gia những cái ôm ấm áp trong thời tiết se lạnh của mùa đông, trao đi hơn 60 món quà nhỏ kèm thông điệp tích cực. Buổi thực tế đã tạo được hiệu ứng vô cùng tích cực, nhận được sự ủng hộ của người tham gia, giáo viên, phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhóm cũng nghiên cứu thiết lập phòng Tĩnh Lặng (Calming Room) dưới sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường và sự hướng dẫn của giáo viên. Phòng tĩnh lặng gồm các góc như: Góc ký gửi nỗi buồn: Nơi học sinh có thể viết ra tâm sự thầm kín của bản thân; Góc sách chữa lành: Nơi sưu tầm những đầu sách liên quan đến tâm lý, giá trị sống, để học sinh ngồi đọc dưới không gian thoải mái, êm dịu; Góc tạo động lực...

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động đó bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng của BGH, cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trong toàn trường. Điều này góp một phần rất lớn đến việc lan tỏa sâu rộng hơn đến toàn xã hội.

Phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của con

Cô giáo Dương Thị Thu Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Liên cấp HNQT iSchool Quảng Trị cho biết, vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần được nhiều người quan tâm, nhưng để nó đi vào thực chất, đúng với sở nguyện và mong muốn của học trò thì các trường đã làm, nhưng chưa đi sâu vào những vấn đề học sinh gặp phải.

Hoạt động ngoại khóa Điều kỳ diệu từ chiếc ôm thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Hoạt động ngoại khóa Điều kỳ diệu từ chiếc ôm thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Dự án của các bạn học sinh lớp 9 và cô Thiên Trang đi vào tìm hiểu những mong muốn của các bạn học sinh trong lứa tuổi vị thành niên. Đây là lứa tuổi gặp rất nhiều vấn đề về cảm xúc, về sức khỏe tinh thần. Đặc biệt là những căng thẳng, áp lực trong học tập lẫn trong cuộc sống.

Nhận thấy rằng, học sinh sau khi tham gia vào những hoạt động ngoại khóa như thế này rất ý nghĩa và hầu như các em học sinh đều rất hào hứng. Đặc biệt, tại trường có phòng tĩnh lặng, học sinh vào đó mỗi ngày, có chuyên gia tư vấn tâm lý học đường. Các cô sẽ tham gia tư vấn, chia sẻ với các em, trò chuyện tâm tình, gần gũi, giúp các con giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi, áp lực. Qua đó, các con thấy rằng mình được sống với cảm xúc, được chia sẻ, được tâm sự. Đôi khi chỉ là cái bắt tay, cái ôm... nhưng sẽ giúp ích với tâm lý học sinh.

Học sinh chia sẻ về cảm xúc của mình với giáo viên (Ảnh: iSchool Quảng Trị).
Học sinh chia sẻ về cảm xúc của mình với giáo viên (Ảnh: iSchool Quảng Trị).

Các cô cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt các con. Đôi khi chỉ là câu khen ngợi, động viên, vỗ về cũng tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của các con.

“Dự án này dù mới khởi phát nhưng sẽ duy trì và lan tỏa sâu rộng, để các bậc phụ huynh có sự kết nối. Sắp tới dự án sẽ có nhiều bước phát triển tiếp nữa chứ không dừng lại ở đây”, cô Trang cho hay.

Theo cô giáo Dương Thu Trang, cần lan tỏa hơn nữa về dự án, hướng đến các cuộc thi... Qua đó, có thể tiếp cận nhiều đối tượng để có thể tìm hiểu sâu về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi vị thành niên, học sinh. Đôi khi người lớn cũng bị chi phối bởi công nghệ, trẻ con cũng vậy nên sự kết nối giữa con cái và ba mẹ bị gián đoạn. Thông qua dự án, phụ huynh cũng nhìn nhận lại, lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn.

Đồng thời, thông qua những cảm xúc giấu kín, phụ huynh cũng thấy được hình bóng của con. Từ đó, thay đổi góc nhìn của phụ huynh, để họ tham gia vào công tác giáo dục cảm xúc của con trẻ. Đó là phương pháp giáo dục rất cần thiết. Bỏ qua việc giáo dục cảm xúc sẽ rất nguy hiểm, tạo ra hệ lụy không tốt đối với con.

Được biết, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện dự án để hướng đến các cuộc thi Trường học lành mạnh AIA, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, diễn đàn Giáo dục đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (E2 Việt Nam) 2022-2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.