Dấu hiệu nhận biết trẻ căng thẳng trong học tập

GD&TĐ - Lo âu, stress ngày càng phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn cả trẻ em, thanh thiếu niên. 

Cha mẹ cần lắng nghe, cho phép trẻ chia sẻ cảm xúc. Ảnh minh họa: ITN.
Cha mẹ cần lắng nghe, cho phép trẻ chia sẻ cảm xúc. Ảnh minh họa: ITN.

Vậy làm thế nào để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương khỏi những vấn đề tâm lý nghiêm trọng này?

Trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng khi đối mặt với tình huống khó khăn xảy ra trong cuộc sống, học tập. Điều quan trọng là cha mẹ phải sớm nhận biết dấu hiệu và triệu chứng để có giải pháp hỗ trợ, cùng con vượt qua nó.

Kỳ vọng quá lớn

Trẻ em phản ứng khác nhau đối với stress và lo âu, tùy vào lứa tuổi, tính cách cá nhân cũng như kỹ năng đối phó. Khi nói đến sự lo âu, học sinh lớp nhỏ có thể không hiểu đầy đủ hoặc không giải thích được những diễn biến cảm xúc của chính mình. Trong khi đó, trẻ lớn hơn có thể hiểu những gì xung quanh đang làm phiền chúng, mặc dù chưa chắc trẻ sẽ chia sẻ thông tin đó với cha mẹ hoặc người thân.

Căng thẳng ở trẻ có thể biểu hiện với những hành vi không bình thường. Thậm chí, một số trẻ bị rối loạn lo âu không kiểm soát được cần có sự can thiệp của y tế.

Thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ về một số trường hợp trẻ bị căng thẳng, giúp cho phụ huynh nhận biết rõ về vấn đề đang ngày càng phổ biến này.

Trường hợp đầu tiên là một cậu bé 13 tuổi, con một nhà gia giáo và học giỏi, ngoan ngoãn. Khi bước vào phòng khám với vẻ mặt mệt mỏi, khí sắc trầm buồn, cậu bé cho biết: “Con thật sự cảm thấy chán nản, muốn bỏ học và đi đâu đó thật xa để tránh xa sự kiểm soát và phán xét của ba mẹ. Con thực sự không muốn đối diện với ba mẹ của mình nữa”.

Cậu bé cũng chia sẻ phải đi học suốt ngày, ở trường, nhà, học thêm trung tâm ngoại ngữ, học nhạc… Do đó, trong đầu lúc nào cũng ám ảnh chữ “học” mà không còn thời gian vui chơi cùng bạn bè. Dù đã cố gắng hết sức, nhưng dường như cha mẹ không hiểu và thường xuyên chỉ trích, so sánh con mình với bạn này, bạn khác.

“Con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị điểm thấp, không đạt danh hiệu sẽ xấu hổ và làm cha mẹ thất vọng… Lúc này, con cảm thấy mình thật tồi tệ, mình chẳng làm được gì cả, chỉ là kẻ vô tích sự. Con chỉ muốn chết cho xong”, cậu bé cho biết.

Trường hợp khác được chuyên gia này chia sẻ là về người mẹ có người con gái duy nhất. Người mẹ này hết mực yêu thương và dành thời gian nhiều nhất bên con khi có thể, việc lớn nhỏ đều làm thay con. Đứa trẻ hầu như được mẹ giám sát và sắp đặt trong mọi hoàn cảnh…

Ngoài việc học tập, vui chơi trong tầm ngắm của mẹ, bé gái thường được mẹ kể những câu chuyện về tấm gương sáng, đặc biệt là “Em phải đến Harvard học kinh tế” của tác giả Lưu Lệ Hoa và Trương Hán Vũ.

Tuy nhiên, bé gái sau đó được phát hiện có biểu hiện trầm cảm ở tuổi dậy thì, sau cú sốc thi trượt vào một trường chuyên. Em cảm thấy tự ti và muốn tìm đến cái chết…

Khi đến với nhà tham vấn tâm lý, người mẹ hiểu ra mình đã đặt ước mơ và kỳ vọng quá lớn lên đôi vai con gái, tư tưởng phải “giỏi giang thành tài” đã cắm rễ sâu vào tâm thức đứa trẻ mà không lường trước “năng lực cá nhân” của con mình.

giup con thoat khoi lo lang (1).jpg
Không chỉ người lớn, mà trẻ em cũng có thể rơi vào tình trạng căng thẳng. Ảnh minh họa: ITN.

Xác định nguyên nhân

Chia sẻ về tình trạng căng thẳng ở trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: “Nếu trẻ có dấu hiệu căng thẳng, cha mẹ nên tìm mọi cách trong khả năng của mình để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn. Một trong những điều quan trọng nhất có thể làm là tìm hiểu tại sao trẻ cảm thấy căng thẳng. Đây là bước đầu tiên giúp trẻ đối phó và vượt qua căng thẳng”.

Theo chuyên gia này, trẻ có thể căng thẳng do cuộc sống quá nhiều kế hoạch, hoạt động và không đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Hoặc, trẻ phải chịu áp lực học tập, các mối quan hệ xã hội (như bạn bè, thầy cô) từ trường học. Trẻ cũng có thể đang gặp khó khăn khi tách khỏi cha mẹ (lo lắng về sự chia ly), hoặc căng thẳng tài chính trong gia đình, cha mẹ gặp khó khăn trong công việc, ly hôn hoặc ly thân.

Một số nguyên nhân khác bao gồm: Quan tâm đến sức khỏe hoặc hạnh phúc của người thân; Cái chết của một người thân, hoặc vật nuôi; Di chuyển hoặc bắt đầu một trường học mới; Trải qua tình trạng bất ổn về nhà ở; Sống trong ngôi nhà hoặc khu phố không an toàn; Trải qua tuổi dậy thì và những thay đổi khác của cơ thể; Các vấn đề trong vòng kết nối bạn bè, bao gồm tranh luận và áp lực; Trải qua bắt nạt; Lo lắng và sợ hãi về những sự kiện đáng sợ trên thế giới, bao gồm cả chiến tranh, xả súng hàng loạt, đại dịch…

giup con thoat khoi lo lang (1).jpeg
Trẻ em trải qua “căng thẳng độc hại” có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho đến khi trưởng thành. Ảnh minh họa: ITN.

Chuyên gia Mỹ Dung cho biết, căng thẳng trong cuộc sống là thứ mọi người đều có thể phải trải qua. Điều đó về mặt tích cực có thể giúp trẻ phát triển và xây dựng một số khả năng ứng phó. Tuy nhiên, nếu căng thẳng mãn tính hoặc kéo dài có thể tạo ra các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

“Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc làm thế nào để trẻ kiểm soát căng thẳng. Giúp con vượt qua để trở nên mạnh mẽ hơn”, chuyên gia nêu quan điểm.

Để giúp trẻ đối phó với căng thẳng, phụ huynh được khuyến khích cần tạo cho con một không gian an toàn, không phán xét, bảo mật và đáng tin cậy. Ngoài ra, cha mẹ cần lắng nghe; cho phép trẻ chia sẻ cảm xúc mà không cố gắng khiến con im lặng, sửa sai hoặc phủ nhận cảm giác của bé. Trẻ nhỏ hơn có thể cần được giúp đỡ để gọi tên cảm xúc. Phụ huynh cũng có thể giúp trẻ hiểu những biểu hiện đang diễn ra trong cơ thể là dấu hiệu của sự căng thẳng. Khuyến khích trẻ lớn hơn viết ra cảm xúc hoặc ghi nhật ký.

Người lớn thường là hình mẫu của trẻ. Do đó, cha mẹ cũng cần học tập và kiểm soát căng thẳng của bản thân, quản lý nó theo những cách lành mạnh. Hãy dành thời gian trọn vẹn cho trẻ, không phân tán sự chú ý đến những việc khác, cho dù lúc đang chơi, nói chuyện hay lắng nghe cảm xúc của con.

Phụ huynh cũng nên chuẩn bị trước mọi tình huống, vạch ra những điều có thể xảy ra và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà con đang đi tìm đáp án. Đồng thời, hãy xây dựng cho trẻ hiểu về giá trị bản thân. Động viên, khích lệ con tham gia các hoạt động mà con đam mê. Những hoạt động thể thao, năng khiếu để xoa dịu khó chịu, căng thẳng nếu có. Cha mẹ cũng cần đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, có các bữa ăn lành mạnh.

“Đôi khi, cha mẹ không thể làm điều đó một mình và mức độ căng thẳng của trẻ đến mức cần sự trợ giúp của chuyên gia. Các dấu hiệu cho thấy trẻ cần ngay từ các liệu pháp, tư vấn của chuyên gia tâm lý bao gồm: Bắt đầu không muốn tiếp xúc với cha mẹ hoặc bạn bè; Đang trải qua không chỉ căng thẳng mà còn có dấu hiệu lo lắng hoặc trầm cảm; Không thể kiểm soát cơn giận dữ hoặc sự hung hăng của mình; Gặp khó khăn khi hoạt động ở trường hoặc trong các tình huống xã hội; Có sự mất mát về người thân yêu, hoặc bắt nạt ở trường học”, chuyên gia Mỹ Dung cho biết.

Một nghiên cứu được công bố trên Hiệp hội Xã hội học Mỹ cho thấy, trẻ em có cha mẹ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng gặp đau khổ khi trưởng thành. Mức độ đau khổ này phụ thuộc vào thời gian trẻ tiếp xúc với tác nhân gây căng thẳng khi có cha mẹ có sức khỏe tâm thần kém và mức độ nghiêm trọng của vấn đề đó.

Một số nghiên cứu khác phát hiện, trẻ em trải qua “căng thẳng độc hại” có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho đến khi trưởng thành. “Căng thẳng độc hại” được định nghĩa là căng thẳng kéo dài, nghiêm trọng và không được giảm nhẹ bởi cha mẹ/người chăm sóc ít quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cường kích Su-24 Ukraine mang theo tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.

'Quân đội Anh sa lầy trong khủng hoảng'

GD&TĐ - Nhiều thập kỷ cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Anh đã khiến quân đội nước này thiếu nhân sự, trang bị kém, chậm trễ trong sản xuất, nâng cấp.