Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết có nguy cơ diễn biến nặng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội tăng mạnh, từ 2.580 - 2.600 ca/tuần.

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc SXH là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2. Ảnh: BVCC
Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc SXH là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2. Ảnh: BVCC

Con số này tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9.

Điều lo ngại là số ca bệnh nhân diễn biến nặng cũng tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian qua đã phải dành tỷ trọng giường lớn hơn cho điều trị bệnh nhân mắc SXH. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70 - 80 ca, trên 30 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo.

Hiện, có khoảng 6% số bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện có nguy cơ diễn biến nặng, còn 94% trung bình, nhẹ tự khỏi. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận ca tử vong do SXH.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vừa qua bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3 - 4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm. Sau khi lui sốt, người chăm sóc đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn.

Trường hợp tương tự là một bệnh nhân lớn tuổi. Lúc sốt cao pha 1, bệnh nhân được con ở nhà chăm sóc. Song, khi bệnh chuyển sang pha 2 đỡ sốt, con bệnh nhân đi làm, để người bệnh ở nhà một mình. Đến cuối buổi khi người con quay về thì bố đã diễn tiến nặng.

“Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc SXH là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu SXH sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn biến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao”, bác sĩ Cấp cho hay.

Chuyên gia lưu ý, chỉ cần bệnh nhân ở trong vùng dịch, có sốt, tiêu chảy, buồn nôn, có thể hướng tới bị SXH. Khi bị SXH, tùy theo pha nào của bệnh mà cần xét nghiệm các chỉ số khác nhau.

Ở pha 1, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng. Song, nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, kết quả có thể âm tính. Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có SXH trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là SXH. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính.

Chuyên gia cũng chỉ ra các dấu hiệu nhận biết bệnh có nguy cơ diễn biến nặng như mệt (đặc biệt trẻ em, mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi, với người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp). Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.

Một số bệnh nhân đau khắp bụng, hoặc nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều); chảy máu chân răng, xuất huyết…; xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng…

Khi có một trong các dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Nếu xử lý kịp thời, thường sau 2 - 3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4 - 6 tiếng, bệnh nhân có thể tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ