Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy, thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị mắc bệnh ung thư, trong đó 50.000 trẻ được chẩn đoán có tỷ lệ sống sót là 80% và 200.000 trẻ còn lại chỉ có khoảng 25% sống sót.
Số ca ung thư nhi mắc mới ước tính trong một năm ở trẻ dưới 19 tuổi khoảng 4.200 trường hợp. Trong số này, có 2.000 trẻ ung thư máu, 900 trẻ u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm...
Bạch cầu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chủ yếu ở lứa tuổi từ 3-4 tuổi, ngoài ra, có tới 23% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán ở trẻ dưới 15 tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư khá cao, trong đó ung thư máu chiếm 30% trong các thể ung thư. Ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, nhiều trẻ khi nhập viện đã ở trong giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong do ung thư ở trẻ em vẫn còn cao.
Vì thế việc nhận biết các triệu chứng của bệnh để đưa con đến bệnh viện điều trị sớm nhất là một điều cực kỳ quan trọng.
Chính vì thế, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương đã có ý tưởng tổ chức dự án Đồng hành cùng trẻ em Ung thư .
Bác sĩ Hương hi vọng với chương trình này bác sĩ và các tình nguyện viên có thể tuyên truyền thật sâu rộng về bệnh ung thư trẻ em trong cộng đồng.
Tại buổi nói chuyện với hàng trăm bệnh nhân bị ung thư và người thân của họ ở ngay sảnh của khoa Nhi, Bệnh viện K Hà Nội, bác sĩ Hương cho biết ung thư ở trẻ em ngày một tăng.
Tuy nhiên, đến nay bệnh viện đã có những tiến bộ về phương pháp và kĩ thuật chữa trị. Trẻ ung thư sẽ được điều trị tích cực như hóa chất, phẫu thuật, tia xạ và kết hợp liệu pháp trị liệu tâm lí sẽ cho kết quả khả quan.
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện K), trẻ được chơi tại các khuôn viên như trong trường mẫu giáo, nhà trẻ.
Trẻ được vẽ, xem hoạt hình, nghe ca nhạc thiếu nhi, chơi đồ chơi, được làm quen với máy tính, được liên hoan và nhận quà trong dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu; được các bác sĩ tổ chức sinh nhật...khiến trẻ luôn vui vẻ, phấn chấn, quên bớt đau đớn.
Bác sĩ Hương cho biết để lên ý tưởng cho những công việc càng ngày càng mới này, đi làm về chị lại nghĩ ngày mai mình sẽ làm gì để cho các bé cảm thấy bớt tẻ nhạt khi xung quanh chỉ có phòng bệnh và truyền dịch.
Bác sĩ Hương đã tổ chức buổi đầu tiên trong dự án Đồng hành cùng trẻ em ung thư của mình. Các bác sĩ đã tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ em trong và sau điều trị.
Trẻ cần có sức khỏe để điều trị lâu dài, vì vậy cha mẹ cần bổ sung các vitamin hoặc dùng các thuốc hỗ trợ giúp cho quá trình phục hồi cơ thể nhất là tủy xương, gan sau điều trị triệt để bằng hóa chất, tia xạ sẽ nhanh chóng giúp trẻ hồi phục sức khỏe.
Kiên trì điều trị rất quan trọng đối với bệnh nhi ung thư. Không giống các bệnh khác, ung thư phải chữa lâu dài, bền bỉ và gian truân cho người đi thăm nuôi.
Bệnh bạch cầu cấp ở trẻ ít nhất cũng phải sau 2 năm mới dám khẳng định chữa khỏi hoàn toàn. Kinh phí điều trị cho 1 ca bệnh bạch cầu khoảng trên dưới 100 triệu đồng.
Trong thực tế, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi lại xa xôi, neo người, thiếu hiểu biết về bệnh ung thư nên đã chùn bước khi mới điều trị được ít tháng.
Nhiều người vẫn nghĩ ung thư nghĩa là cái chết đang đến với con họ, chỉ là thời gian nhanh hay chậm mà thôi thế là họ bỏ cuộc, buông xuôi.
Bệnh ung thư ở trẻ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn rất cao.
Nếu đưa trẻ đến viện muộn, sức khỏe của trẻ quá yếu sẽ khiến cho công tác điều trị gặp khó khăn, tốn kém thuốc men và tiền của nhưng hiệu quả không cao.
Lí do đưa trẻ tới viện muộn cũng bởi sự thiếu hiểu biết về căn bệnh ung thư ở trẻ nhỏ của người lớn. Nhiều người không ngờ trẻ cũng có thể mắc ung thư nên rất chủ quan không lưu ý tới trẻ.
Khi thấy con “khó ở” trong người, họ tự mua thuốc cho con uống. Chữa mãi không thấy đỡ mới cho đi trạm xá, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh nên khi đến được viện K trung ương thì có bé đã cận kề "lưỡi hái tử thần".
Mặc dù các triệu chứng và biểu hiện của bệnh ung thư tùy thuộc vào dạng bệnh, vị trí trong cơ thể nhưng 85% trẻ ung thư có dấu hiệu như sau:
- Khối u hoặc sưng nề bất thường ở ổ bụng.
- Sốt kéo dài không lý giải được.
- Mệt mỏi, xanh xao, sút cân nhanh.
- Dễ xuất hiện vết bầm tím và chảy máu không lý giải được.
- Đau kéo dài không lý giải được, đau đầu kèm theo nôn.
- Thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc thay đổi đột ngột hành vi.
- Đầu bị sưng nề.
- Xuất hiện vệt sáng trắng ở mắt.