Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng đã nguy hiểm

GD&TĐ - Đa phần bệnh nhân mắc tay chân miệng có thể tự ổn định, không bị biến chứng. Tuy nhiên, triệu chứng giật mình là dấu hiệu cảnh báo rằng, trẻ mắc tay chân miệng có thể bị tổn thương thân não.

Cha mẹ không nên tự ý bôi thuốc lên da khi trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên tự ý bôi thuốc lên da khi trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân mắc tay chân miệng gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng tại 24 quận, huyện. Riêng tuần cuối tháng 9, thành phố ghi nhận 640 ca bệnh.

Đây là con số cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện. Trong đó, 4 địa phương có ca bệnh bao gồm Quận 2, 7, 8 và huyện Bình Chánh.

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, khoảng một tháng nay, số lượng bệnh nhân nhập viện vì tay chân miệng tăng đột biến. Thậm chí, nhiều trường hợp nhập viện với tình trạng nặng.

Từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 9, các bệnh nhân nhập viện vì bệnh tay chân miệng chủ yếu ở thể nhẹ. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, liên tiếp có tới 4 bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực trong nhiều ngày để qua cơn nguy hiểm. Thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa vẫn là những địa phương có số ca mắc cao.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), nhấn mạnh: “Việc theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng là điều vô cùng quan trọng trong điều trị, cũng như tiên lượng bệnh tay chân miệng. Hầu hết bố mẹ đều không rõ về triệu chứng giật mình trong bệnh này, nên có nhiều lầm tưởng”.

Theo chuyên gia này, bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh này do virus gây ra. Do đó, việc dùng kháng sinh không giúp ích cho việc điều trị cũng như ngăn ngừa biến chứng. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ tuổi, bệnh càng dễ tiến triển nặng.

Trẻ lớn và người trưởng thành vẫn có thể mắc bệnh, nhưng thường nhẹ hơn. Đường lây lan của bệnh chủ yếu là do phần miệng. Mặc dù đường hô hấp, dịch mũi họng cũng có khả năng lây, nhưng không chủ yếu. Bởi, số lượng virus trong nước bọt không cao.

“Tuy đa số bệnh nhân tự ổn định, nhưng một số ca sẽ có biến chứng. Và đó là điều mà hầu hết mọi người đều lo sợ. Bởi vì virus này có đặc tính cao với 4 vị trí ở não: Vùng hạ đồi, nhân răng tiểu não, neuron vận động sừng trước tủy sống và thân não”, bác sĩ Tưởng giải thích.

Giật mình “kiểu tay chân miệng”

Theo bác sĩ Tưởng, thông thường, mọi người chỉ chú ý đến thân não thay vì 3 vị trí còn lại. Thực tế, giật mình là dấu hiệu cảnh báo rằng, trẻ bị tay chân miệng có thể bị tổn thương thân não.

“Tuy nhiên, triệu chứng giật mình rất dễ bị khai thác sai. Bởi, chính sự lo lắng quá mức của các mẹ, nên hầu hết họ đều trả lời “Có” khi được bác sĩ hỏi về triệu chứng giật mình. Một số bà mẹ thấy trẻ quấy khóc rồi thức dậy trong đêm cũng nghĩ đó là giật mình. Tuy nhiên, hầu hết là do bé có sang thương ở họng, bị đau họng nên khó ngủ”, chuyên gia chia sẻ.

Bác sĩ cũng lưu ý, vấn đề quan trọng để xác định liệu trẻ có giật mình do bệnh tay chân miệng hay không là: “Bình thường trẻ có giật mình như vậy không?”. Nếu có, phụ huynh chưa cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ giật mình mạnh hơn, ngay cả khi không có tiếng động, cha mẹ cần nhanh chóng cho con đi khám.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý nếu trẻ giật mình chới với, thất thần, thiu thiu ngủ, nẩy người hốt hoảng, mắt nhìn lên. Điều quan trọng nhất là khả năng tiếp xúc của trẻ giảm, đờ đẫn, ánh mắt vô hồn hoặc hoảng hốt, không tương tác.

Nếu trẻ giật mình như vậy nhiều hơn 2 lần trong 30 phút hoặc ngay lúc được thăm khám, cha mẹ cần cho con nhập viện để theo dõi và điều trị. Bên cạnh triệu chứng có liên quan đến tổn thương thân não, trẻ mắc tay chân miệng cũng có khả năng bị rối loạn về hô hấp, nhịp tim, huyết áp.

“Nếu tổn thương vùng hạ đồi, cơ thể không xác định được điểm điều nhiệt. Từ đó, gây tăng thân nhiệt ác tính, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Bởi, thuốc hạ sốt đánh vào hạ đồi để hạ điểm điều nhiệt. Tổn thương tiểu não gây run chi, run thân, đi loạng choạng, giật nhãn cầu. Tổn thương neuron sừng trước tủy sẽ gây ra liệt mềm không đối xứng”, bác sĩ Tưởng nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, tỷ lệ rơi vào biến chứng của bệnh tay chân miệng không nhiều. Hầu hết, trường hợp mắc bệnh chỉ nổi hồng ban hoặc mụn nước ở da. Da nổi mụn nước thường ở lòng bàn tay, chân, mông gối, hoặc một số khu vực khác. Tuy nhiên, phụ huynh không nên tự ý bôi bất kỳ dung dịch nào lên da hoặc tắm lá cho trẻ.

“Cha mẹ không nên bôi thuốc tím vì sẽ che mất dấu hiệu, khiến bác sĩ khó khăn hơn trong việc chẩn đoán bệnh. Vết loét trong miệng có thể làm bé đau và biếng ăn. Cha mẹ nên cho bé ăn loãng, không nóng, không cay, không cứng. Ăn uống mát giúp trẻ giảm đau”, bác sĩ Tưởng khuyến cáo.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng cho biết, việc theo dõi và phòng ngừa bệnh tay chân miệng là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu con có các dấu hiệu: Sốt trên 39 độ C hoặc sốt trên 2 ngày, đặc biệt là không đáp ứng với thuốc hạ sốt; Nôn ói nhiều; Lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ; Giật mình hơn 2 lần trong vòng 30 phút; Run chi hoặc yếu chi; Đảo mắt; Đi đứng loạng choạng không vững; Thở bất thường; Ngủ gà; Co giật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.