Ngoài ra, tụ cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mô tế bào. Đây là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn phổ biến và có khả năng nghiêm trọng. Nó có thể xảy ra ở những người hoàn toàn khỏe mạnh hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.
Nguyên nhân khiến 76 trẻ ngộ độc
Chiều 9/5, 267 cháu (3 - 5 tuổi) Trường Mầm non Thuận Sơn ăn bữa xế với sữa chua do các cô nuôi của trường tự ủ, số còn lại ăn món khác. Đến sẩm tối, 76 em trong số ăn món sữa chua bị đau bụng, nôn, được đưa tới cơ sở y tế xã và huyện cấp cứu. Đến trưa hôm sau sức khỏe các cháu ổn định, được xuất viện.
Kiểm tra và lấy mẫu tại trường, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An nghi ngờ món sữa chua là nguyên nhân gây độc do khâu kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; chế biến, bảo quản sữa chua tự ủ chưa đảm bảo ở nhiệt độ thường, không bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Ngày 22/5, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An đưa ra kết luận sau 12 ngày xảy ra vụ ngộ độc. Theo đó, kết quả kiểm nghiệm 10 mẫu gồm 6 mẫu sữa chua và thức ăn, 4 mẫu chất nôn của bệnh nhân, do Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm quốc gia thực hiện. Kết quả cho thấy, món sữa chua nhiễm vi khuẩn S.aureus.
Đây là vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus), thường gây nhiễm trùng nhẹ trên da. Nếu chúng xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi, tim, có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Sữa chua này do các cô nuôi của nhà trường tự chế biến và cho các cháu uống trực tiếp. Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An đề nghị Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện Đô Lương xử lý vi phạm hành chính. Các sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo tăng cường an toàn thực phẩm trong nhà trường có tổ chức bếp ăn bán trú để tránh ngộ độc tương tự.
Vi khuẩn có tính độc cao
Theo bác sĩ Đinh Văn Chỉnh – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.
Đa phần các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều tìm thấy vi khuẩn này trên da. Chúng thường xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Trường hợp đặc biệt, tụ cầu vàng xâm nhập vào bên trong cơ thể gây nhiễm trùng một số cơ quan, gây ra những hệ lụy nguy hiểm.
Ngoài ra, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền từ người này qua người khác khi chạm vào các bề mặt này.
Mặt khác, một số yếu tố được xem là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng như: Dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh; Rối loạn, suy yếu hệ thống miễn dịch; Người bị tiểu đường; Bệnh nhân HIV/AIDS; Bệnh nhân lọc máu; Bệnh ung thư; đang xạ trị hoặc hóa trị.
Ngoài ra, các yếu tố khác bao gồm: Da bị tổn thương dưới dạng: Vết thương hở, côn trùng cắn, eczema, vết bỏng. Những trường hợp mắc bệnh hô hấp; Bệnh nhân phải thực hiện các thủ thuật, can thiệp y khoa có xâm lấn; Môi trường sống mất vệ sinh, đông đúc, chật hẹp; Quan hệ tình dục nam – nam; Trầy xước da do chơi thể thao nhưng vệ sinh không đúng cách.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, các nốt mụn trên da có mủ hoặc bị viêm là loại nhiễm trùng tụ cầu khuẩn phổ biến nhất đến nay. Ngoài ra, tụ cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mô tế bào.
Đây là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn phổ biến và có khả năng nghiêm trọng. Nó có thể xảy ra ở những người hoàn toàn khỏe mạnh hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.
Tụ cầu khuẩn thường xâm nhập vào da qua vết cắt hoặc vết chàm và gây nhiễm trùng cục bộ, dẫn đến viêm da. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng một vùng da ấm, đỏ, sưng, mềm hoặc đau khi chạm vào, phổ biến nhất là ở cẳng chân, mặt hoặc cánh tay.
Ngộ độc thực phẩm cũng là một trong những biểu hiện nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Khi thực phẩm tiếp xúc với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn sẽ nhân lên và tạo ra độc tố. Viện Y học Ứng dụng dẫn chứng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những chất độc đó có thể khiến người dân bị ốm.
Đồng thời, có thể dẫn đến các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong 30 phút đến 8 giờ sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, cần lưu ý, sốt thường không phải là triệu chứng gặp phải do ngộ độc thực phẩm liên quan đến tụ cầu khuẩn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, cách tốt nhất để tránh ngộ độc thực phẩm liên quan đến tụ cầu khuẩn là đảm bảo thực phẩm được xử lý ở nhiệt độ phù hợp.
Thực phẩm nóng nên được giữ ở 60 độ C hoặc nóng hơn. Trong khi đó, thực phẩm lạnh nên được giữ ở 4 độ C hoặc lạnh hơn. Lưu ý rửa tay kỹ bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây trước khi nấu ăn hoặc ăn uống.
Trong một số trường hợp, thường là khi ai đó tiếp xúc với tụ cầu khuẩn trong bệnh viện, chẳng hạn như trong khi phẫu thuật, vi khuẩn tụ cầu khuẩn có thể xâm nhập vào máu. Điều này có thể gây nhiễm trùng máu được gọi là nhiễm khuẩn huyết, ban đầu có thể dẫn đến sốt và tụt huyết áp.
Khi xâm nhập vào trong máu, loại nhiễm trùng tụ cầu khuẩn này có thể lan đến tim, xương và các cơ quan khác. Từ đó, dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong. Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng còn có thể gây hội chứng sốc độc và nhiễm trùng huyết.