Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao.
Vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ngày 27/12, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận một nam bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân sốt cao (39 - 40 độ C), mệt mỏi, yếu nửa người phải và đến khám tại Bệnh viện 103. Bệnh nhân tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải. Kết quả chụp cắt lớp vi tính não phát hiện có hình ảnh nhồi máu não, vùng nhân bèo phải.
Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn). Như vậy, trong năm nay, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc liên cầu lợn (tăng 3 ca so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, vi khuẩn Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao.
Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. Hiện, có 2 týp liên cầu lợn. Trong đó, týp I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn.
Tuy nhiên, týp 2 nhưng gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. S.suis týp II thường gây bệnh cho người.
Năm 1960, người nhiễm đầu tiên được phát hiện. Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 ca bệnh liên cầu lợn ở người. Trong đó, tỷ lệ tử vong là 17,5%. Trường hợp người mắc bệnh đã được thông báo ở 17 nước trên thế giới, gồm: Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Australia, Hungary, Hồng Kông, Croatia, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, New Zealand, Argentina, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, bệnh liên cầu lợn được biết đến từ năm 2003. Trong năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Tuy nhiên, năm 2007 ghi nhận hơn 48 ca (22 ca ở miền Bắc, 20 ca ở miền Nam, 6 ca ở miền Trung) được chẩn đoán mắc bệnh liên cầu lợn. Trong đó, một số ca xét nghiệm xác định được tác nhân gây bệnh là S.suis týp 2. Có 3 ca trong số này đã tử vong.
Mối liên hệ giữa liên cầu khuẩn và lợn tai xanh
Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Đồng thời, cần tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy, bệnh liên cầu lợn có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% người mắc có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn.
Tuy nhiên, chỉ 6 bệnh nhân (8%) có tổn thương da nghi ngờ. 69 bệnh nhân (96%) biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não như: Sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác.
Đây là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc. Một bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết bị sốc do nhiễm độc tố liên cầu. Sau 10 - 14 ngày dùng kháng sinh Ceftriaxone, hầu hết bệnh nhân đều hồi phục..
Theo Cục Y tế Dự phòng, một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bệnh liên cầu khuẩn và hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS - Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome).
Hiện nay, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn đã xuất hiện tại nhiều địa phương tại nước ta và thường được gọi là bệnh “Heo tai xanh”. Bệnh do virus Nidovirales, họ Arteviridae gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1987 tại Mỹ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu dịch tễ học cho rằng, bệnh có thể bệnh đã lưu hành trước đó tại Canada.
Các triệu chứng thường gặp ở lợn mắc bệnh bao gồm rối loạn sinh sản. Bệnh đồng thời gây rối loạn hô hấp đối với lợn ở mọi lứa tuổi. Cho đến nay, lợn là động vật duy nhất mắc hội chứng này. Virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) thuộc nhóm RNA virus (RNA mạch đơn).
Virus có khả năng đề kháng với nhiệt độ thấp (giữ độc lực trong thực phẩm được bảo quản lạnh). Virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn có thể xâm nhập, nhân lên trong các đại thực bào, phá hủy các đại thực bào.
Từ đó, làm suy yếu sức đề kháng của lợn, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn (trong đó có liên cầu) phát triển mạnh, tăng độc lực và gây bệnh. Đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn có khả năng lây lan và gây bệnh ở người.