Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy, sự sống có thể tồn tại ở rất sâu trong lòng Trái đất hơn những gì mà con người có thể tưởng tượng.
"Chúng ta có thể có cả một sinh quyển ở một độ sâu rất khó có thể tới được". Đó là tuyên bố của GS Oliver Plumper (đại học Utrecht - Hà Lan), tác giả chính của công trình nghiên cứu mới đây trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ).
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy các hợp chất sinh hóa – được cho là chỉ dấu cho sự tồn tại của các vi sinh vật - từ 46 mẫu khoáng vật serpentinite tại núi lửa South Chamorro ở dưới biển gần với rãnh sâu Mariana – nơi sâu nhất trên Trái Đất.
Rãnh Mariana sâu gần 11 km dưới mực nước biển, nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản được hình thành do mảng kiến tạo Thái Bình Dương dịch chuyển trượt dưới mảng kiến tạo Phillipines tạo nên một đới hút chìm (subduction zone – nơi phát sinh của rất nhiều các trận động đất).
“Mặc dù chúng tôi không thể xác định chính xác nguồn gốc của các hợp chất đó, nhưng phân tích hóa học của các thành phần này giống như những cấu trúc phân tử được tạo ra bởi các vi sinh vật sống ở trong hoặc sâu dưới núi lửa”, tác giả bài báo cho biết.
Các hợp chất này bao gồm amino axit và hydro-cacbon, tương tự như những hợp chất được tìm thấy ở những nơi khác – nơi mà vi sinh vật có thể tồn tại.
Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh được rằng sự sống có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất là nhiệt độ lên tới 122 độ C và áp suất lớn gấp 3000 lần áp suất khí quyển tại bề mặt Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu trước để tính toán độ sâu bên dưới đáy biển mà sinh vật có thể tồn tại. Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy các hợp chất hóa học có thể tới từ độ sâu khoảng 10km dưới đáy biển.
Trước đây, độ sâu lớn nhất tìm thấy sinh vật sống là 3,6 km dưới đáy biển nhưng nếu những phát hiện mới đây được tiếp tục chứng minh, thì sự sống có thể tồn tại vượt xa trí tưởng tượng của con người.