Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.
Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là “dấu hiệu chữ V”, biểu tượng chiến thắng, và sau đó thường gắn liền với thông điệp hòa bình, đoàn kết và không bao giờ bỏ cuộc. Nó được ra đời từ khi nào?

Ý tưởng của một cựu binh

Một cựu binh người Bỉ, vận động viên Olympic và chính trị gia chuyển sang làm phát thanh viên tên Victor de Laveleye, được công nhận là người khởi xướng ra dấu hiệu “V cho Chiến thắng” (V for Victory) trong Thế chiến II.

Sau khi trốn Đức Quốc xã đến London, Anh vào năm 1940, ông trở thành Giám đốc của chi nhánh Bỉ thuộc British Broadcasting Corporation (BBC). Tại đây, ông muốn đưa ra một thông điệp thống nhất mà người Bỉ có thể sử dụng để phản đối Đức Quốc xã, có cùng ý nghĩa trong tiếng Pháp, tiếng Flemish (tiếng Hà Lan - Bỉ) và tiếng Anh.

“Tôi chọn chữ V vì đó là chữ đầu trong tiếng Pháp ‘Victoire’, tiếng Anh ‘Victory’ cùng nghĩa ‘Chiến thắng’, và trong tiếng Flemish ‘Vrijheid’ (nghĩa là Tự do)”, ông nói với tờ New York Times. Lần đầu tiên, ông đề cập đến nó trong chương trình phát sóng ngày 14/1/1941 cho những người ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Bắc Phi bị chiếm đóng, hướng dẫn người nghe viết chữ V bằng phấn ở những nơi công cộng hoặc gõ nó ra bằng mã Morse, với ba nhịp ngắn và một nhịp dài hơn - cũng là giai điệu của bốn nốt đầu tiên trong Bản giao hưởng số 5 của Beethoven.

Trong chương trình phát thanh của BBC, de Laveleye nói rằng, “quân chiếm đóng khi nhìn thấy dấu hiệu này, luôn giống nhau, được lặp lại vô tận, sẽ hiểu rằng chúng bị bao vây bởi một đám đông người dân khổng lồ đang háo hức chờ đợi sự thất bại của chúng”. Trong vòng vài tuần, các chữ V được viết bằng phấn bắt đầu xuất hiện trên các bức tường trên khắp Bỉ, Hà Lan và miền Bắc nước Pháp.

Sáu tháng sau, một nhân viên phát thanh của BBC được biết đến với cái tên “Đại tá Britton” đã công bố chiến dịch “V for Victory” tới các nước châu Âu còn lại bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Séc, Na Uy, Ba Lan và Serbia, lặp lại yêu cầu của de Laveleye về việc sử dụng ký hiệu hình ảnh và âm thanh, và đề xuất người nghe “vẫy tay chào nhau bằng cách dang hai ngón tay của bàn tay theo hình chữ V”, tờ Time đưa tin vào tháng 7/1941.

Vào ngày 20/7/1941, Britton đã đọc trên sóng vô tuyến một thông điệp từ Thủ tướng Anh Winston Churchill ủng hộ chiến dịch “V for Victory”, củng cố vị trí của nó như một biểu tượng chống Đức Quốc xã nổi bật. Vào thời điểm này, Thủ tướng Churchill cũng bắt đầu giơ ngón tay hình chữ V trong hầu hết các lần xuất hiện trước công chúng.

Biểu tượng hòa bình

dau-hieu-chu-v-co-tu-khi-nao-1.jpg
Victor de Laveleye, người nghĩ ra ký hiệu chữ V, biểu tượng 'Chiến thắng'.

Chiến dịch “V for Victory” và cử chỉ tay đi kèm cũng được ưa chuộng tại Hoa Kỳ khi nước này tham chiến vào tháng 12/1941, sau vụ đánh bom Trân Châu cảng. Người Mỹ nhanh chóng áp dụng biểu tượng chữ V, một phần biểu thị sự phản kháng đối với Đức Quốc xã, nhưng chủ yếu là lời kêu gọi tham gia vào nỗ lực chiến tranh, đặc biệt là ở trong nước, thông qua việc phân phối thực phẩm, mua trái phiếu chiến tranh và tăng sản lượng thời chiến. Đối với những người sử dụng biểu tượng “V for Victory” trong Thế chiến II, chiến thắng của phe Đồng minh đồng nghĩa với kết quả hòa bình.

Tiếp bước Winston Churchill, Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Tổng tư lệnh Đồng minh Dwight D. Eisenhower cũng bắt đầu sử dụng ký hiệu chữ V để biểu thị chiến thắng trong chiến tranh. Eisenhower tiếp tục sử dụng ký hiệu chữ V sau khi Thế chiến II kết thúc, cũng như trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1952 và tám năm tại vị sau đó.

Làm thế nào mà dấu hiệu chữ V lại chuyển từ nghĩa “chiến thắng” sang “hòa bình”? Pierre Asselin - Giáo sư Lịch sử tại Đại học bang San Diego cho biết, mặc dù biểu tượng chữ V được phổ biến trong Thế chiến II như một lời kêu gọi chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít, nhưng nó đã biến thành một cử chỉ ăn mừng ngay sau khi các cuộc chiến tranh ở châu Âu và châu Á kết thúc, lần lượt vào tháng 5 và tháng 8/1945. Trong trường hợp này, chiến thắng cũng có nghĩa là hòa bình.

Không rõ chính xác khi nào biểu tượng chữ V có nghĩa là “hòa bình”, nhưng vào cuối những năm 1960, các thành viên phong trào phản chiến và phản kháng văn hóa - đã phục hồi và áp dụng biểu tượng này như một lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngay lập tức, thay vì là biểu tượng của chiến thắng.

Theo Nancy Armstrong và Melissa Wagner, tác giả của Field Guide to Gestures, những người theo chủ nghĩa Hippie ở Mỹ đã lấy biểu tượng V tượng trưng “Chiến thắng”, biến nó thành một biểu tượng “Hòa bình”, truyền tải hy vọng cuộc chiến ở Việt Nam sẽ nhanh chóng kết thúc.

Julia Fell - người phụ trách triển lãm tại Bảo tàng Bethel Woods, nơi tập trung vào lễ hội Woodstock năm 1969 cho biết, sự phát triển của ký hiệu chữ V có thể là một phần của xu hướng văn hóa lớn hơn, nhằm đảo ngược biểu tượng quân sự để phản đối chiến tranh, và theo nghĩa rộng hơn là phản đối nguyên trạng các giá trị truyền thống của người Mỹ.

Năm 1993, ký hiệu bàn tay chiến thắng được thêm vào Unicode 1.1, biến nó thành biểu tượng của trường phái cũ. Năm 2015, nó được thêm vào bộ Emoji 1.0 của Unicode. Bàn tay chiến thắng có màu vàng mặc định nhưng các công cụ sửa đổi tông màu da cho phép người dùng thay đổi màu sắc của nó.

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ