Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm mạn tính do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây qua quan hệ tình dục không an toàn, chiếm đến 95%, chủ yếu thông qua quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh giang mai, lây lan khi niêm mạc da bị trầy xước.
Ngoài ra bệnh có thể lây qua truyền máu, từ mẹ sang con. Giang mai có thể truyền nhiễm cho thai nhi thông qua nhau thai trong 4 tháng đầu thai kỳ, gây nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ mẹ khi chui qua đường sinh nở tự nhiên.
Xoắn khuẩn có hình lò xo, sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó không sống quá vài giờ. Ở nhiệt độ 45 độ c nó bị chết sau 30 phút. Dung dịch sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.
Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, âm đạo hoặc bằng miệng đều có nguy cơ lan truyền bệnh giang mai. Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
Ở giai đoạn thứ nhất, người bệnh có thể thấy vết chợt nông hình tròn hay bầu dục, vết loét nhỏ, màu đỏ, không đau trên phần da cơ thể bi lây nhiễm (còn gọi là săng giang mai), thường gặp ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu… Ngoài ra cũng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi… Bên cạnh đó, hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm.
Giai đoạn thứ 2 là khoảng 6-8 tuần sau đó, dấu hiệu của bệnh rõ ràng hơn với dấu hiệu phát ban. Vết loét có màu đỏ hoặc đỏ nâu, có kích thước bằng đồng xu trên bất kỳ vùng nào trên cơ thể như lòng bàn tay và lòng bàn chân, xuất hiện mảng niêm mạc hay gặp nhất ở vùng hậu môn, sinh dục. Kèm theo các dấu hiệu khác là sốt, viêm hạch lan tỏa, mệt mỏi và cảm giác khó chịu, đau nhức.
Trong giai đoạn thứ hai của bệnh, ban đỏ xuất hiện trên bất kỳ vùng nào trên cơ thể, trong đó có lòng bàn tay, bàn chân. |
Nếu không được điều trị, vi khuẩn giang mai có thể lây lan, dẫn đến tổn thương cơ quan nội tạng nghiêm trọng và tử vong sau nhiều năm nhiễm trùng ban đầu. Đây là giai đoạn thứ 3 của bệnh. Dấu là các “gôm” giang mai ở da, cơ, xương, thương tổn tim mạch (giang mai tm mạch), thương tổn thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh). Người bệnh có thể thấy bị tê, liệt, mù, mất trí, rối loạn thần kinh…
Giữa thời kỳ thứ nhất đến thời kỳ thứ hai, giữa thời kỳ thứ hai đến thời kỳ thứ bam, bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng. Trường hợp này được gọi là giang mai kín và chỉ được phát hiện nhờ xét nghiệm huyết thanh.
Theo bác sĩ Dung, thời kỳ ủ bệnh của bệnh giang mai tương đối lâu từ 10 ngày đến 90 ngày, trung bình là 3 tuần. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh giang mai chính là vết loét ở bộ phận sinh dục mà không cảm thấy đau đớn. Vì thế, khi phát hiện loét, khó chịu ở bộ phận sinh dục sau khi quan hệ tình dục không an toàn, cần phải cảnh giác và xét nghiệm giang mai càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời.
Tính truyền nhiễm của bệnh thời kỳ đầu khá mạnh, sẽ giảm đi nếu mắc bệnh quá 4 năm. Cần phân biệt bệnh với herpes sinh dục, ghẻ, dị ứng thuốc, phát ban do virus vảy nế, ung thư hạch, nấm sâu…
Phòng bệnh giang mai bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su bảo vệ. |
Điều trị bệnh như thế nào?
Bệnh cần điều trị sớm, đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian quy định. Giang mai có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh (đường uống, tiêm mông, tiêm bắp). Việc điều trị này bao gồm điều trị cho cả bạn tình.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh giang mai sẽ được chữa dễ dàng và không gây ra bất cứ tổn thương hay hậu quả nào. Ngược lại, nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương...
Phòng bệnh giang mai
Để phòng bệnh giang mai cần thực hiện lối sống lành mạnh, thủy chung một vợ, một chồng. Đồng thời thực hiện hành vi tình dục an toàn, tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su). Với bệnh giang mai bẩm sinh, cần được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh ở phụ nữ mang thai.
Đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên đến bệnh viện để tầm soát giang mai. Nhóm này gồm người từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nam giới nhiều bạn tình, phụ nữ mang thai, phụ nữ bán dâm, đồng tính nam, sử dụng ma túy… Phần lớn bệnh giang mai tiềm ẩn không có triệu chứng nhưng có thể xét nghiệm máu để tìm ra vi khuẩn.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, bệnh giang mai rất dễ bị bỏ sót vì những vét loét trong giai đoạn đầu thường là vết loét không đau, tự khỏi sau khoảng 4-6 tuần nên dễ bị bỏ qua. Kể cả khi bệnh không biểu hiện hoặc không được chú ý đến, bệnh sẽ vẫn âm thầm tiếp tục tiến triển. Cách trực tiếp và hiệu quả nhất là làm xét nghiệm tầm soát giang mai.