Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) đặt ra vấn đề vệ sinh môi trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Hiện, cả nước đang thải ra 60.000 tấn rác, hầu hết chôn lấp gây ô nhiễm, vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì?
Trả lời chất vấn về điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà - cho biết, vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường là vấn đề trong nhiều năm qua. Hướng chuyển xử lý chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh đang là hệ lụy rất lớn đến môi trường.
Đây là tài nguyên không tái chế, không sử dụng hiệu quả. Về cơ bản, rác thải phải biến thành tài nguyên, rác thải phải được tái sử dụng theo đúng yêu cầu trong kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm, trong năm 2022 Bộ sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải. Bộ sẽ công bố các công nghệ phù hợp với các địa phương và trên hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng.
Năm 2024 sẽ thực hiện và trong năm 2022 sẽ chuẩn bị đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó ở địa phương sẽ có hướng dẫn và lựa chọn để có cách xử lý phù hợp.
Trả lời đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) về giải pháp cho tình trạng đấu giá đất “bắt tay ngầm” để tạo sốt ảo, điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Trần Hồng Hà - cho rằng: Thực tế không chỉ thổi giá mà còn “dìm giá”, dùng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá đất.
Việc thổi giá đất đã gây nhiều bức xúc, tạo rất nhiều hệ lụy như thất thoát tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Bộ đã đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân, trong đó vấn đề này được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau nên các quy định còn thiếu cụ thể.
Bộ trưởng cho rằng, cần quy định phương pháp trình tự đấu giá với tài sản là đất đai chặt chẽ hơn, chế tài mạnh hơn với người tham gia đấu giá bằng biện pháp kinh tế để răn đe.