Nhiều người dân có nhu cầu mua phải bỏ cuộc nửa chừng dù đã đấu hơn chục bước giá.
8 lô đất vượt giá khởi điểm gần 14 tỷ đồng
Trước đó, ngày 17/9, Công ty Đấu giá hợp danh Trường Thịnh (TP Hà Tĩnh) vừa tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín 8 lô đất ở tại vùng quy hoạch Le Le (thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). 8 lô đất đấu giá đợt này nằm bên huyện lộ 3 nối từ TP Hà Tĩnh qua cầu Đò Hà, kết nối với đường ven biển.
Theo ghi nhận qua phiên đấu giá, hầu hết các lô đất đều được đấu vượt trên 54 bước giá (mỗi bước giá khoảng hơn 20 triệu đồng tùy theo diện tích và vị trí). Đặc biệt, lô số 09 được đấu vượt lên 54 bước giá với mức 35 triệu đồng/bước giá. Lô đất này có diện tích 214m2, với giá khởi điểm là 719 triệu đồng, được đấu thành công lên 2,6 tỷ đồng.
Đây cũng là lô đất có mức giá cao nhất tại vùng quy hoạch Le Le. Ngoài ra, lô số 07 được đấu lên 58 bước giá với diện tích 200m2. Giá khởi điểm là 560 triệu đồng được đấu lên hơn 2,1 tỷ đồng (khoảng 28 triệu đồng/bước giá).
Kết thúc phiên đấu giá ngày 17/9, 8/8 lô đất tại khu quy hoạch dân cư đồng Le Le, được đấu giá thành công, thu về hơn 18,716 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 17/9, tại phiên đấu giá 18/18 lô đất tại thôn Nam Xuân, xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) cũng đã được đấu giá thành công với những mức giá gấp 3 - 4 lần mức giá khởi điểm. Theo đó, lô đất số 45 có giá khởi điểm là 250 triệu đồng, được đấu thành công với giá 805 triệu đồng, vượt giá khởi điểm 58 bước.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “18/18 lô đất này có giá khởi điểm hơn 4,6 tỷ đồng, sau khi đấu giá thu về hơn 12,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Đây là lần đầu tiên, giá đất của xã lại tăng cao như vậy dù là đang trong mùa dịch Covid-19”.
Người có nhu cầu chịu thiệt
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo GD&TĐ, các phiên đấu giá được đơn vị tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Việc đấu giá các lô đất trên thành công cũng đã tạo nguồn thu quan trọng vào ngân sách TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, qua các phiên đấu giá này, nhiều người không khỏi sửng sốt với mức giá mua đất hiện nay.
Vợ chồng chị Lê Thị Nga (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), một người tham gia đấu giá đất cho biết, 2 vợ chồng chị làm việc tại TP Hà Tĩnh nên muốn kiếm một lô đất vùng ven thành phố để tiện đi lại, sinh hoạt.
Nghĩ dịch bệnh nên nhu cầu người mua ít nên chị Nga khá tự tin khi đăng ký đấu giá mua đất. Tuy nhiên, trái với dự tính, vợ chồng chị đành ngậm ngùi bỏ cuộc dù đã đấu hơn 10 bước giá.
“Tôi không nghĩ giá đất ở vùng quê mà được đấu cao như thế này. Nếu tiếp tục đấu thì vợ chồng tôi cũng không có tiền nên đành chấp nhận rút lui…”, chị Nga cho hay.
Còn tại xã Cẩm Hà, ngay sau cuộc đấu giá, các chủ lô đất vừa trúng “rao bán” ngay tại chỗ với giá chênh lệnh từ 50 - 100 triệu đồng/lô. Trong khi đó, những người dân muốn mua đất làm nhà cũng ra về do đất bị “đặt” giá quá cao.
Theo giới chức trách Hà Tĩnh, thực tế nhu cầu về đất ở tại địa phương hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao mà chủ yếu do các nhà đầu cơ bắt tay nhau thổi giá, tạo bong bóng ảo trong một thời hạn nhất định để kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, khu vực nông thôn xuất hiện tình trạng giá đất bất ngờ bị đẩy lên cao tại các phiên đấu giá.
Các nhà chức trách cũng lo ngại tình trạng sốt đất tràn lan như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
“Số người có nhu cầu mua đất trúng tại các phiên đấu giá là rất ít, chủ yếu là những người đầu cơ. Những người có nhu cầu buộc phải bỏ giữa chừng hoặc chấp nhận chịu thiệt khi mua đất với giá cao sau khi đã qua tay nhiều lần”, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cho hay.