Đau đầu, nhức óc vì đội mũ bào hiểm rởm

Đau đầu, nhức óc vì đội mũ bào hiểm rởm
Nhẹ là ngứa da đầu, nặng hơn là bị đau đầu, ảnh hưởng tới thần kinh, não bộ... đó là những tác hại có thể gây ra cho người thường xuyên sử dụng mũ bảo hiểm rởm.
Nhựa tái chế hiện nay thường được sử dụng vào sản xuất sản phẩm như ghế ngồi, các vật dụng nhựa gia dụng, mũ bảo hiểm... Loại mũ bảo hiểm làm từ nhựa tái chế này dễ gây tác hại khôn lường cho sức khoẻ người tiêu dùng. 
(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)
Ròn, dễ vỡ, độ bền kém
Việc đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm của Công ty TNHH SX-TM-DV Duyên Lành (địa chỉ số 1114 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) dùng nhựa tái chế sản xuất mũ bảo hiểm đã khiến nhiều người lo lắng.
Vì trên thực tế, nhựa tái chế hiện nay thường được sử dụng vào sản xuất nhiều sản phẩm như ghế ngồi, chậu thau, các vật dụng nhựa gia dụng... Sản xuất nhựa tái chế đa số là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ làm thủ công, trang thiết bị yếu, thiếu, trình độ kỹ thuật sản xuất có khi cũng chỉ sơ đẳng, cùng với sự tính lợi nhuận nên sản phẩm từ nhựa tái chế nó không còn đạt được chất lượng an toàn cho người sử dụng.
Về bản chất, nhựa tái chế rất bẩn. Chúng bị quăng quật ngoài trời, bãi rác, hấp thụ tia tử ngoại... làm phân hủy, lão hóa rồi được thu lượm về xử lý lại nên tính chất cơ lý giảm chỉ còn vài %. Do đó, khi tận dụng lại nhựa tái chế thì phải làm sạch, pha trộn với nguyên liệu nhựa mới.
Nguyên tắc sản xuất đối với nhựa tái chế cần tuân theo quy định kỹ thuật chặt chẽ. Vì mỗi loại nhựa nóng chảy ở mức nhiệt độ khác nhau, có loại nóng chảy ở nhiệt độ 170 - 200 độ C... nhưng sau khi nóng chảy thì chúng đều cứng lại và ròn.
Thông thường, nhựa nguyên sinh, mới độ bền còn 100%, nhưng với nhựa tái chế độ bền chỉ còn 30 - 40%, có khi không đạt. Còn nếu pha trộn đúng tỷ lệ, thực hiện làm sạch, nung nấu đúng kỹ thuật thì độ bền của sản phẩm từ nhựa tái chế cũng chỉ đạt 70 - 80%.
Ảnh hưởng sức khoẻ người dùng
Hiện nay có một bộ phận người dân còn chưa có ý thức, họ đội mũ bảo hiểm để đối phó với công an chứ không phải để bảo vệ tính mạng mình. Mua một cái mũ bảo hiểm giá chỉ 15.000 - 30.000 đồng thì làm sao có mũ đạt chất lượng.
Làm phép tính nhỏ thôi cũng thấy không đủ chi phí nhân công sản xuất. Nên khi mua mũ giá rẻ làm từ nhựa tái chế cũng đồng nghĩa với chất liệu, vật liệu làm mũ cũng cực rẻ và nguy cơ mất an toàn cao.
Không chỉ bẩn, nhựa tái chế còn là loại nhựa gia công kém chất lượng. Khi đội mũ sản xuất từ nhựa tái chế lên đầu ở nhiệt độ cao ngoài trời và sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng như gây ngứa da đầu, nấm, nặng hơn nữa là ảnh hưởng thần kinh, não bộ, hay bị đau đầu... Ngoài ra, vì nhựa tái chế rất ròn và dễ vỡ, nên nếu xảy tai nạn thì người đội mũ làm từ loại nhựa này dễ bị chấn thương sọ não.
Với những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất nhựa tái sinh đa số không đảm bảo kỹ thuật, ngoài ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng thì môi trường nơi sản xuất cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần yêu cầu các cơ sở này di dời ra xa khu dân cư và phải có hệ thống khử mùi, lọc khí đạt tiêu chuẩn khí thải ra môi trường.
Tùy từng loại nhựa mà gia công ở nhiệt độ khác nhau và pha chế khác nhau. Nhưng thông thường sử dụng nhựa tái sinh phải pha trộn một số phụ gia chịu lực, tăng cường độ bền nén, độ bền va đập nhất là với mũ bảo hiểm thì phần trăm va đập luôn phải tính tới. Tốt nhất là mũ bảo hiểm phải sử dụng vật liệu composit, bền, nhẹ và an toàn, chịu nhiệt, độ va đập, độ nén tốt nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Niếu (VTC News)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ