Trải qua biến cố thăng trầm nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các nghệ nhân, phường rối nước Nhân Hoà được hồi sinh vào năm 1991 và trở thành món ăn tinh thần độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước trong những chuyến du khảo đồng quê tại huyện Vĩnh Bảo.
Lưu giữ nét xưa
Là một trong những điểm du lịch đồng quê nổi tiếng của huyện Vĩnh Bảo, du khách đến với Nhân Hoà được đắm mình với màn biểu diễn rối nước, tái hiện lại những nét văn hoá dân gian đặc sắc để thêm hiểu, thêm cảm và yêu giá trị tinh thần của cha ông để lại.
Con rối được các nghệ nhân chế tác khá mềm dẻo và sinh động: Rồng, rắn có thể uốn khúc; Nhân vật được thể hiện qua các con rối có thể cử động, rối phường bát âm có thể gảy đàn nhị, hoặc rung phím đàn bầu như diễn viên thật...
Trong tiếng vỗ tay, tiếng hò reo của người xem, tiếng nhạc vang lừng, đàn cờ ngũ sắc bật lên từ mặt nước, pháo hoa phụt sáng rực rỡ, chú Tễu vén bức mành ra chào khán giả, giới thiệu lý do buổi biểu diễn.
Từ lúc đó, khoảng mặt nước nhỏ hẹp trở thành sân khấu sinh động, khi thì diễn cảnh thửa ruộng với hình tượng “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, lúc mô tả lại cảnh tát ao, tát hồ, cá quẫy đầy mặt nước, trẻ nhỏ cầm nơm úp cá, cất vó; hay màn Thạch Sanh đánh trăn tinh, bát âm cửu nhạc, lễ hội chọi trâu, hát chầu văn...
Ngày đầu thành lập, phường chỉ có 10 nghệ nhân, nhưng được sự yêu mến của du khách, động viên của nghệ nhân giữ “lửa” nghề mà các nghệ nhân khác cùng hồ hởi tham gia nâng số thành viên lên 13 người. Những năm gần đây, hoạt động của phường tương đối đều đặn nhờ vào việc thu hút khách du lịch nước ngoài.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Nhân Hoà đón 3.878 lượt khách trong đó có 1.688 lượt khách nước ngoài, chủ yếu khách Tây Ban Nha, Nga, Anh, Pháp….
Kể về những thăng trầm của nghề, nghệ nhân Trần Văn Rụng - Trưởng phường rối nước Nhân Hoà chia sẻ: Có những lúc, môn nghệ thuật dân gian này rơi vào quên lãng.
Nguyên nhân không phải không có nghệ nhân làm nghề mà vì ít khán giả, nghệ nhân không thể sống được với nghề nên “rẽ” ngang sang làm nghề khác hoặc làm nông nghiệp để kiếm sống.
Nhưng rồi, với tình yêu nghề, một số nghệ nhân đã cố gắng vực lại loại hình nghệ thuật dân gian này.
Đau đáu về loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại trước nguy cơ mai một, các nghệ nhân trong phường rối chia nhau tìm hiểu, dựng lại các trò múa. Một phần để làm đa dạng, phong phú các trò phục vụ người xem, thu hút du khách, phần khác là để dạy và truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng.
Đến nay, phường rối đã có hơn 100 con rối to nhỏ các loại, diễn được hơn 30 trò múa rối độc đáo.
Đau đáu truyền nghề
Những nghệ nhân rối nước Nhân Hoà đều là nông dân. Hễ đang làm đồng, nhận được thông báo có khách du lịch đến là họ lại bỏ cái cuốc, cái cày, nắm mạ đang cấy dở để về thay quần áo và trở thành nghệ sĩ. Cái ao đầu làng được biến thành sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ nhân.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Thịnh, phường rối nước Nhân Hoà được khôi phục lại vào năm 1991, đến năm 1995 bắt đầu chương trình biểu diễn rối nước cho khách du lịch.
Thời gian đầu, thi thoảng mới diễn một buổi. Cứ cầm cự như thế, có những lúc nản chí, tưởng bỏ giữa chừng, nhưng rồi chúng tôi lại bảo nhau cố gắng và cũng qua được khó khăn.
Mùa đông nhất, mỗi tháng phường Nhân Hòa biểu diễn hơn 30 buổi. Cứ có lịch là diễn, đang vụ mùa cũng vẫn diễn như ngày nông nhàn.
Không chỉ phục vụ khách du lịch, phường rối nước Nhân Hoà còn biểu diễn trong những lễ hội truyền thống của huyện Vĩnh Bảo vào đầu năm mới, tham gia các cuộc liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước.
Trong Liên hoan nghệ thuật Rối nước dân gian tại Festival Huế 2004, phường rối nước Nhân Hòa có nhiều tiết mục đạt giả A, B.
Tháng 4/2005, tham gia Liên hoan Rối nước không chuyên toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, nhiều tiết mục của phường đạt Huy chương Vàng, Bạc và Bằng khen...
Tại Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất (từ 13 đến 18/6/2011) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH-TT&DL Hải Dương tổ chức phường múa rối nước Nhân Hoà đoạt 2 giải A.
Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Nhân Hoà cho biết: Những năm gần đây, múa rối nước Nhân Hoà có những bước phát triển đáng kể, thu hút được lượng lớn khách du lịch đến với địa phương.
Tuy nhiên, để duy trì loại hình nghệ thuật này còn nhiều khó khăn như: Chi phí đầu tư con rối tốn kém, khó tìm nguyên liệu, thu nhập từ nghề còn thấp nên đa phần với các nghệ nhân nơi đây việc biểu diễn rối nước là để giữ nghề gia truyền còn công việc chính vẫn là làm ruộng.
Ông Quang trăn trở: Khu vực Thủy đình (nơi để các nghệ nhân biểu diễn) đã xuống cấp, địa phương không có đủ kinh phí để tu sửa, vì vậy rất mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để phường rối có chỗ biểu diễn tốt hơn phục vụ du khách.
Còn với nghệ nhân cao tuổi của phường rối Nhân Hòa, họ lại canh cánh nỗi lo về sự thiếu hụt đội ngũ kế cận trẻ tuổi, đam mê và tâm huyết với nghề. Bởi, thanh niên trong làng giờ không còn mấy ai hào hứng, mặn mà với nghề truyền thống của cha ông, vì công việc vất vả, thu nhập không đủ sống.q