Hoa lại thuộc tuýp phụ nữ chuẩn chỉnh, hiền dịu và rất được lòng các bậc phụ huynh. Tính cách quá khác biệt nên ngay khi ra trường, chúng tôi đã kịp rẽ 2 lối và có được 2 cuộc sống hoàn toàn đối lập. Hoa là người phụ nữ của gia đình, còn tôi, một mình một cõi, độc thân “vui vẻ không quạo”.
Dẫu vậy, cuộc sống không ai biết trước chữ “ngờ”, Dạo này, mỗi lần chat với tôi, Hoa thường đính kèm tiếng thở dài, tôi hỏi lý do tại sao thì cô ấy chỉ trả lời qua loa: “Ôi dào, chuyện gia đình ấy mà, ai chả thế. Cậu cứ kết hôn mà xem”. Nói vậy, nhưng tôi biết Hoa đang cố gắng kìm nén, một phần vì cô ấy vẫn muốn bảo vệ lớp vỏ bọc hoàn hảo của mình, ngay cả với một đứa bạn thân như tôi.
Một ngày, có lẽ không thể chịu đựng thêm nữa, Hoa gọi: “Cậu làm ơn, đến chỗ tớ ngay được không?”. Tôi chưa bao giờ thấy cô bạn mình rơi vào trạng thái hoảng loạn bất thường như thế nên rất lo lắng. Tôi phi ngay đến chỗ Hoa. Cậu thanh niên cao ráo, trắng trẻo, gương mặt vô cùng điển trai, đôi mắt ánh lên những tia lấp lánh, cúi rạp cả người để chào tôi.
Đó là cậu con trai lớn của Hoa, mới chừng 19 đôi mươi mà phong thái chững chạc vô cùng. Tôi phải nhướn người lên một chút mới chạm được vào mái tóc bồng bềnh của cậu: “Con trai ngoan lắm, mẹ con đâu rồi?”. “Dạ, mẹ con đang đợi cô trên phòng ngủ đó ạ”.
Tấm thân gầy nhom của Hoa gần như chìm nghỉm trên tấm đệm dày làm tôi xót xa: “Cậu ốm thế nào? Sao lại ra nông nỗi này?”. Chỉ chờ có thế, những giọt nước mắt thi nhau trào ra trên gương mặt hốc hác: “Thằng bé… nó… nó bỏ nhà đi rồi cậu ạ”.
Giọng tôi gấp gáp không khác gì nhịp thở của Hoa: “Sao? Thằng Khánh á? Nó vừa mở cửa cho tớ mà”. Hoa lắc đầu: “Không! Thằng An cơ. Dạo này có cư xử rất tệ, nó cãi bố mẹ, hôm qua suýt đánh nhau với cả thằng Khánh nữa. Tớ không thể chấp nhận được sự bố láo của nó, nhỡ miệng đuổi nó đi, thế là nó đi luôn. Ôi, tớ lo quá cậu ạ…”.
Chúng tôi ngồi với nhau gần 3 tiếng đồng hồ, câu chuyện chỉ xoay quanh chủ đề cậu con trai út nổi loạn của Hoa. Tôi đăm chiêu một lúc rồi đưa ra nhận định thẳng thắn: “Cậu đừng quá lo, cũng đừng quá mềm lòng, có như thế mới dạy được thằng bé.
Tớ nó điều này, cậu đừng tự ái nhé, nhưng thằng An hư một phần cũng vì cậu chiều nó quá. Nó lại là con út, được anh nhường nhịn nên cứ nghĩ mình là ông tướng. Tớ nghĩ thằng bé đang thiếu trầm trọng một số kĩ năng, trong đó có lòng biết ơn.
Biết ơn không chỉ là một kĩ năng, mà còn cách nhìn nhận thế giới. Để cảm thấy biết ơn, thằng bé phải biết đánh giá cao những gì nó nhận được từ bố mẹ, từ anh trai, nó phải đánh giá cao nỗ lực hoặc thành ý mà gia đình dành cho nó. Nếu ngay lúc này cậu không dạy nó coi trọng và đánh giá cao những gì gia đình mang lại cho nó, nhiều khả năng nó sẽ phát triển thứ mà các nhà tâm lý gọi là “hội chứng hoàng đế”. Quan điểm tự cho mình là trung tâm của thế giới sẽ theo thằng bé đến tuổi trưởng thành, nó sẽ nghĩa những người khác phải có trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của nó. Nhìn nhận thế giới theo cách này khiến nó không thấy biết ơn. Bất hạnh mãn tính là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi sự thiếu biết ơn mãn tính. Thằng bé sẽ không ngừng than phiền dù được đặt trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa”.
Sau chuỗi phân tích đầy tính khoa học của tôi, Hoa dường như bình tĩnh và tỉnh táo hơn một chút. Cô ấy ngước lên nhìn tôi: “Trời! Cậu là một chuyên gia tâm lý hay là một nhà giáo dục vĩ đại vậy?”. Tôi gật gù, ra vẻ đắc ý: “Tớ chỉ rút kinh nghiệm từ chính những điều tớ trải qua ở tuổi nổi loạn thôi mà. Ngày xưa bố mẹ tớ cũng khốn khổ vì tớ, may quá, tớ tỉnh ngộ kịp thời”.
Giọng Hoa trầm lại: “Thực ra, tớ nghĩ những điều cậu vừa nói không chỉ tốt cho thằng An, mà còn có thể vận dụng trong đời sống hàng ngày cho tất cả mọi người. Lâu nay, tớ quá bận rộn với công việc nên cũng có lúc tớ quên cả cách yêu thương và quan tâm con cái sao cho đúng mực. Thằng Khánh là đứa chín chắn, trưởng thành sớm, nhưng thằng An lại khác, đáng lẽ tớ phải để ý và lắng nghe nó nhiều hơn”.
Tôi nắn vai Hoa, động viên: “Thôi, không sao, bây giờ làm lại vẫn kịp. Khi nào thằng bé về, cậu hãy làm mọi cách để ngắt những cảm xúc độc hại bên trong nó. Cậu nhớ nhé, lòng biết ơn là một liều thuốc giải độc cho những cảm xúc tiêu cực, một chất trung hòa cho sự đố kị, thù địch, lo lắng và cáu kỉnh. Tớ tin, sự yêu thương, chân thành và tỉ mỉ của một người mẹ sẽ khiến cái đầu nóng của thằng bé dịu lại”.