Hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ đưa tin, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho thấy, Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh Pakistan sự hỗ trợ về vệ tinh và phòng không trong đợt leo thang căng thẳng xung đột mới nhất với Ấn Độ.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, điều này đã thể hiện sự dấu ấn rõ ràng hơn của Trung Quốc trước cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ của 2 quốc gia láng giềng Nam Á, so với những suy nghĩ trước đây.
Bloomberg trích dẫn ý kiến của ông Ashok Kumar, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Hỗn hợp cho rằng, Trung Quốc đã giúp Pakistan tái tổ chức các hệ thống radar và tên lửa phòng không để phát hiện hiệu quả hơn việc triển khai lực lượng và khí tài của không quân Ấn Độ.

Bắc Kinh cũng bị New Delhi cáo buộc đã giúp Islamabad điều chỉnh phạm vi phủ sóng vệ tinh trên lãnh thổ Ấn Độ trong khoảng thời gian 15 ngày giữa vụ tấn công khủng bố Pahalgam ngày 22 tháng 4 khiến 26 người, chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ, thiệt mạng, dẫn đến sự bùng nổ chiến sự giữa hai nước.
“Điều này giúp họ [Pakistan] triển khai lại radar phòng không để có thể biết được mọi hoạt động của chúng tôi trên không phận” - ông Ashok Kumar giải thích.
Theo Bloomberg, nếu đánh giá của vị quan chức quân sự Ấn Độ là đúng, điều này cho thấy sự tham gia củq các bên thậm chí còn rộng hơn, bao gồm hỗ trợ hậu cần và tình báo cho Islamabad trong cuộc xung đột với New Delhi.
Theo giới phân tích, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng là sự nối tiếp của nhiều cuộc đụng độ trong quá khứ ở dãy Himalaya.
Theo các nhà quan sát khác, đối với Ấn Độ, quốc gia mạnh hơn Pakistan về mọi mặt, thì việc bị thiệt hại khá nặng là một điều khó chấp nhận nên việc đổ lỗi cho Trung Quốc, quốc gia còn hùng mạnh hơn cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của vũ khí, trang bị Trung Quốc trong cuộc xung đột vừa qua.

Được biết, trong cuộc đối đầu không quân vừa qua, Ấn Độ bị cho là đã mất tới 5 máy bay chiến đấu, bao gồm 3 chiếc tiêm kích Rafale của Pháp, 1 tiêm kích hạng nặng Su-30MKI và 1 tiêm kích đánh chặn MiG-29 của Nga. Đây được coi là một điều hết sức nặng nề đối với nước này.
Các chiến đấu cơ của Ấn Độ được cho là đã thất bại trong cuộc đối đầu với những máy bay chiến đấu mà Trung Quốc đã bán cho Pakistan, gồm máy bay JF-17C và J-10C, được trang bị tên lửa không đối không tầm xa PL-15E, với tầm bắn lên tới 140-150km.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là không quân Ấn Độ được cho là mạnh hơn Pakistan rất nhiều về khả năng trinh sát, giám sát trên không, thậm chí nước này còn có cả máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm A-50U của Nga, một phương tiện trinh sát tầm xa và điều phối hoạt động của các chiến đấu cơ.
Do đó, không loại trừ khả năng đúng Islamabad được giúp đỡ trong việc cung cấp thông tin tình báo vệ tinh, tổ chức lại các hệ thống radar và bố trí lưới phòng không, góp phần đắc lực giúp đỡ Không quân Pakistan giành được chiến thắng giòn giã trước đối thủ lớn như Ấn Độ.