Với sức tiêu thụ của thị trường tăng cao, trong khi sản phẩm hành tím trở nên khan hiếm vì trái vụ, nhiều thương lái ra tận ruộng mua với giá thành cao. Được mùa, giá cao nhưng người trồng hành, tỏi trên đảo Lý Sơn vẫn còn đau đáu những nỗi lo về điều kiện sản xuất, giá cả bấp bênh.
Niềm vui được mùa, giá cao
Khác với những vụ trước, vụ hành tím này, người dân huyện đảo Lý Sơn phấn khởi hơn khi hành tím vừa trúng mùa lại được giá. Trên các cánh đồng, không khí làm việc, thu hoạch hành tím của người nông dân diễn ra thật khẩn trương.
Tiếng cười, tiếng nói rộn rã khắp cả cánh đồng. Người dân trồng hành tím huyện đảo Lý Sơn cho biết: Hiện giá bán hành tím củ tươi tại chợ huyện Lý Sơn từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với niên vụ trước, trung bình mỗi sào hành thu hoạch về, trừ chi phí sản xuất nông dân còn lãi từ 12 - 15 triệu đồng.
Ông Dương Văn Giáp - một nông dân ở thôn Đông (xã An Hải) vui mừng: Vụ hành này, vì trái vụ nên gia đình ông chỉ trồng được hơn 2 sào hành tím, với sản lượng thu hoạch đạt gần 1,5 tấn, với giá bán như hiện nay, trừ chi phí sản xuất, ông còn lãi khoảng gần 30 triệu đồng.
Còn bà Võ Thị Lệ Thu (ở thôn Đông, xã An Hải) - một trong nhiều hộ gia đình vừa mới thu hoạch, phấn khởi: Vụ hành này, gia đình gieo diện tích 2 sào, hiện nay đã đang thu hoạch được hơn 50% diện tích. Với sản lượng bình quân ước đạt 700 kg/sào, trừ hết chi phí, vụ này gia đình thu về không dưới 6 triệu đồng tiền lãi.
Ông Dương Văn Nghĩa (xã An Hải) cho biết thêm: Chưa bao giờ hành tím lại có giá cao kỷ lục như thời điểm này, hành tím thu hoạch về được tư thương tới nhà đặt cọc để thu mua với giá cao, không trả treo, ép giá như các niên vụ trước. Cho nên, vụ mùa này, có nhiều nông dân trồng hành tím trên huyện đảo Lý Sơn trúng đậm. Tâm trạng người trồng hành tím hết sức phấn khởi.
Theo lý giải của nông dân trồng hành Lý Sơn, nguyên nhân giá hành tím tăng cao trong những ngày qua bởi đây là vụ hành trái vụ nên diện tích gieo trồng ít, nhu cầu của thị trường tăng cao, trong khi hành tím ở các tỉnh phía Bắc mất mùa do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: Hiện Lý Sơn có khoảng trên 10 héc ta hành trái vụ đang cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt gần 150 tấn. Với giá bán ra thị trường như hiện nay, vụ hành trái vụ này nông dân trong huyện thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Đau đáu những nỗi lo!
Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn có gần 22.000 nguời, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề trồng hành, tỏi và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác. Lý Sơn có hơn 579,6 hécta đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đất nông nghiệp Lý Sơn rất thích hợp cho việc trồng hành, tỏi. Với diện tích gần 300 hécta đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô và 3.500 tấn củ hành. Loại cây này có tiềm năng phát triển theo mô hình sản xuất hiện đại, là hướng phát triển của ngành nông nghiệp của huyện đảo Lý Sơn.
Với thế mạnh đó, huyện đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”. Người nông dân trồng hành, tỏi có điều kiện thuận lợi hơn khi tỏi Lý Sơn được đăng ký nhãn hiệu. Thu nhập người dân được nâng cao khi giá tỏi tăng cao, cuộc sống người dân trồng tỏi ở Lý Sơn cũng ngày càng khấm khá hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hành tỏi Lý Sơn liên tục bị rớt giá, tình trạng giả thương hiệu tỏi Lý Sơn xảy ra làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân, khiến đời sống của nông dân trồng tỏi lại trở nên bấp bênh.
Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, chính quyền triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tìm đầu ra, ổn định giá bán cho người dân, giúp nông dân có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân. Chính vì vậy, vụ mùa hành tím năm nay được mùa là những tín hiệu vui cho người nông dân huyện đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên, nhiều người trồng hành, tỏi bày tỏ lo lắng trước những khó khăn về điều kiện sản xuất hiện nay. Ông Dương Văn Giáp lo lắng: Chưa bao giờ giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá đất cát trắng lại tăng cao như hiện giờ.
Một sào đất chi phí cát, phân, giống mất hơn 3 triệu đồng, đó là chưa kể công chăm sóc kéo dài trong suốt thời gian bốn, năm tháng. Vì vậy, chỉ cần thời tiết không thuận lợi hoặc giá tỏi thấp thì người trồng tỏi xem như không có lời.
Nhiều nông dân trồng hành, tỏi Lý Sơn cho hay: Tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng thơm ngon với hương vị đặc trưng mà không đâu có thể có được, tuy nhiên để có được mùi vị đặc trưng ấy, công việc trồng tỏi của người dân xứ đảo rất công phu.
Trước khi xuống giống, người trồng tỏi sử dụng một lượng cát trắng trên đảo để bón lót cho các ruộng tỏi. Một loại cát biển có trộn lẫn san hô vỡ vụn. Đa số người dân đều cho rằng, chính loại cát này đã tạo hương vị cay đặc trưng riêng cho tỏi Lý Sơn. Thế nhưng hiện nay, nguồn cát trắng này ở huyện Lý Sơn đang dần cạn kiệt.
Là một trong những nông dân có hàng chục năm kinh nghiệm trồng hành, tỏi trên huyện đảo Lý Sơn, ông Dương Văn Lợi bộc bạch: Nguồn cát trên đảo dùng để trồng tỏi bị cạn kiệt, vài năm gần đây, một số người dân đã dùng tàu ra ngoài biển để hút cát đem về bán cho người trồng tỏi.
Hiện một xe cát được bán với giá gần cả triệu đồng, mỗi sào ít nhất phải tới 2 xe cát. Chính vì vậy mà mức đầu tư của mỗi ha tỏi tăng cao hơn so với mọi năm. “Với diện tích khoảng 300 ha, trung bình mỗi năm, huyện Lý Sơn thu hoạch trên 2.000 tấn tỏi.
Tuy nhiên, để có chừng ấy tỏi mỗi năm, phải cần từ 60.000 - 70.000 m3 cát trắng. Đây là một bài toán không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nguồn cát đang ngày một cạn kiệt và người dân hiện phải khai thác từ dưới lòng biển. Vì thế, người trồng tỏi Lý Sơn dù lạc quan đến mấy cũng không khỏi lo lắng, một khi nguồn cát để trồng tỏi bị cạn kiệt” - ông Lợi băn khoăn.