Chuyện lạ về giếng Vua ở Lý Sơn

GD&TĐ - Nằm cách mép biển chừng 5m, nhưng nước của giếng Vua ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngọt và trong vắt. Vào mùa hạn, trong khi hầu hết giếng trên đảo phơi đáy thì giếng Vua trở thành nguồn sống của nhiều người nghèo. Ngày 30/8/2017 vừa qua, giếng Vua được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Giếng Vua nằm cách bờ biển chỉ chừng 5m nhưng ngọt và trong vắt quanh năm
Giếng Vua nằm cách bờ biển chỉ chừng 5m nhưng ngọt và trong vắt quanh năm

Huyền thoại giếng Vua

Giếng Vua còn được người dân gọi là giếng Gia Long hay giếng Xó La nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Giếng cổ này có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng.

Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.

Tên gọi Xó La được nhiều người cao tuổi ở Lý Sơn giải thích rất cụ thể và giàu sức thuyết phục. Xó ở đây là một góc không gian hẹp; còn La bắt nguồn từ tên cây la. Giếng Xó La là giếng nước ở góc ruộng hẹp có nhiều cây la. Cũng có giải thích khác, cho rằng âm Xó La có nguồn gốc từ tiếng Chăm, song người đề xuất kiến giải này cũng không đưa ra dẫn chứng ngữ âm nào hợp lý.

Sự ra đời và tên gọi của giếng nước này gắn với nhiều huyền thoại. Tương truyền giếng nước trên là do vua Gia Long ban. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé huyện đảo Lý Sơn. Lúc ấy là thời điểm dân đảo gặp cảnh khô hạn chưa từng có. Là thiên tử cai quản muôn dân, vua Gia Long lập đàn tế trời cầu mưa.

Sau đêm tế trời, vua nằm mộng và được chỉ báo về địa điểm đào giếng nước ngọt. Hôm sau, vua sai người đào giếng ở chỗ đó. Quả nhiên, nước nhiều, ngọt và mát. Từ đó, người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là giếng Vua hay giếng Gia Long.

Một truyền thuyết khác là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước.

Trong lúc sinh mệnh của Nguyễn Ánh và quân sĩ như “ngàn cân treo sợi tóc” thì ông nằm mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai người đến đúng vị trí đã mách bảo. Quả nhiên, giếng mới chỉ đào sâu chừng hơn một mét là đã thấy nước ngọt.

Tuy nhiên, theo sử sách để lại, những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Vì vậy, sẽ không có chuyện Nguyễn Ánh cùng quân sĩ của mình trôi dạt ra Lý Sơn để đào giếng nước này.

Theo các nhà nghiên cứu, giếng nước này xuất hiện thời vương quốc Chăm, tức là khoảng thế kỷ XV. Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay.

Nước giếng không bao giờ cạn

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, giếng Xó La đã cung cấp nước uống, nước sinh hoạt phục vụ đời sống cộng đồng cư dân trên đảo. Số liệu thống kê cho biết, trên toàn đảo Lớn của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu, chủ yếu là hành và tỏi.

Cũng có chừng mươi giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt dù chỉ cách biển chừng 5m.

Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên huyện đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết, hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm.

Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng có nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn.

Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi.

Giếng Vua trở thành nơi mưu sinh của người nghèo
Giếng Vua trở thành nơi mưu sinh của người nghèo

Để thử xem mạch nước giếng Vua nhiều và mạnh như thế nào, một số người dân sử dụng 4 máy bơm đồng loạt hút nước ra. Dù máy chạy gần nửa ngày nhưng mực nước giếng vẫn không bị xê dịch bao nhiêu.

“Quanh năm suốt tháng, nước giếng ngọt và trong vắt. Ở Lý Sơn hiện có khá nhiều giếng nước, nhưng để pha được ấm trà ngon thì không đâu bằng nước giếng Vua”, ông Phạm Thoại Tuyền (67 tuổi) cho biết.

Hầu như tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo Lý Sơn, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Cũng do nhu cầu dùng nước giếng Xó La mà trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng bán lại cho người dùng.

Có hơn 10 người, chủ yếu có đời sống khó khăn, sống dựa vào việc lấy nước giếng Xó La. Những tháng mùa hè, nguồn nước ít hơn, những người lấy nước phải chọn thời điểm giếng thưa hoặc vắng người, dùng gàu lấy nước từ giếng lên theo cách thủ công, cho vào các can nhựa (20 lít - 30 lít) rồi đưa lên xe đạp, hoặc xe máy vận chuyển đến cho người dùng.

Ông Lê Văn Triển (61 tuổi) làm phu nước từ 2 năm nay. Trước đây ông làm nghề gò hàn, nhưng giờ bà con chủ yếu sử dụng các vật dụng bằng nhựa nên đành giải nghệ. Vì có xe máy nên ông Triển chở nước bán ở các nơi xa hơn với giá 6.000 đồng/20 lít.

“Lúc đầu do chưa quen công việc nặng nhọc này nên tôi thường xuyên bị đau nhức, nhất là lưng và vai, tối về phải xoa bóp mới đỡ. Tuy nhiên nhờ cái nghề này mà cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn”, ông Triển tâm sự.

Từ bao năm qua, sự tồn tại của giếng Vua trên đảo Lý Sơn như chiếc “phao cứu sinh” cho hàng ngàn người dân trên đảo mỗi mùa khô hạn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tuyến kè chắn sóng Đông Nam trên đảo triển khai thi công thì cả khu vực này đã bị đào bới tan hoang, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong khu vực giếng Vua. Người dân đang lo, trong tương lai gần, sẽ có nhiều tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ