Kim, Vàng, Giọt, Lệ...
Ở quê tôi, hồi trước, gia đình nào cũng “con đàn cháu đống” nên việc đặt tên cho con có khi chỉ là những cái tên vần vè cho dễ nhớ. Tuy nhiên, một số ông bố coi việc đặt tên cho con cũng là một “nghệ thuật”.
Hồi những năm 1980, chiếc xe máy Cub 81 của hãng Honda sản xuất ở Nhật Bản được xem như báu vật ở quê tôi. Người ta gọi nó là “kim vàng giọt lệ”.
Ông Nhã mê mẩn Cub 81 nhưng nghèo, mơ cũng khó chạm nên ông đặt tên con lần lượt là Kim, Vàng, Giọt, Lệ, Hy, Vọng. Riêng cái tên Vàng và Giọt, ông đấu tranh mãi với vợ mới đặt được.
Khi thằng Vọng học tiểu học thì xe máy giá rẻ Trung Quốc cũng bắt đầu tràn vào Việt Nam, giá Cub 81 cũng giảm dần và ông Nhã cũng chạm được giấc mơ xe máy. Ông nói: “Thấy chưa, có hy vọng là có tất”.
Ông Phú có người hàng xóm nhà sát vách là ông Lam, ít hơn ông mấy tuổi. Ông Lam có 6 đứa con, trong đó, đứa con trai út tên Phú. Ông Lam thường gọi con “Phú ơi” khiến ông Phú nhiều lần nhầm tưởng cha mình (nhà cũng ở cạnh bên) gọi mình nên “dạ” rõ to.
Khi biết “dạ” nhầm cha hàng xóm, ông Phú ức lắm. Hai gia đình cũng ít ưa nhau. Mỗi lần ghét hàng xóm, ông Lam lại vẽ chuyện, lấy cớ để lôi thằng Phú ra chửi, khiến ông Phú sôi máu.
Đã có 5 đứa con, tuổi ngoài 50 nhưng ông Phú vẫn quyết đẻ thêm đứa nữa, ý định đặt tên Dũng, là bố đẻ của ông Lam để… trả thù.
Ý định của ông Phú cũng được thực hiện. Nhưng đứa con thứ 6 là con gái nên khi đặt tên Dũng, bà vợ ông phản đối dữ dội. Mặc, ông Phú vẫn đến ủy ban xã khai sinh cho con gái tên Dũng. Khi Dũng lên lớp 3, bố ông Lam mất, ông Phú mới đổi tên lại cho con là Dung.
Dù nghèo khổ nhưng vợ chồng ông An vẫn 7 đứa con. Đứa thứ 7 đặt tên là Út để dừng lại, không đẻ nữa. Nhưng 2 năm sau lại tòi ra đứa nữa, ông đặt tên là Thêm. 3 năm sau, lại đứa nữa, ông đặt tên là Hết. Và, vợ ông cũng… hết đẻ.
Đổi tên mới được cho cưới con gái
Ông Nhâm rất mê cây cảnh. Vườn nhà và sân ông đầy mai, đào, sanh, si và các loại hoa. Đặt tên cho con, ông cũng lấy tên cây ông ưa thích: Mai, Đào, Sanh, Si.
Thằng út tên Si, đi học toàn bị bạn chọc “si thì học sao nổi” (từ si ở quê tôi cũng có nghĩa là ngu si). Nó trách ông Nhâm sao đặt tên con dở thế, ông cười bảo “tao định đặt tên Sĩ, nhưng khi đi làm khai sinh, cán bộ tư pháp viết đến Si thì bút hết mực, không viết được dấu ngã nữa nên để vậy luôn”. Cái tên cứ hành nó mãi, lên đến lớp 10, nó mới đổi tên là Sĩ.
Vợ chồng thằng bạn tôi đặt tên cho con gái đầu lòng là Thu Ngân. Ai cũng khen tên đẹp. Một hôm, ông bố vợ gọi điện cho vợ chồng nó, giật giọng bảo, chúng mày phải đổi tên cho con ngay, vì Thu Ngân nói lái lại là… thân ngu (ở quê tôi rất hay nói lái). Cái tên nó vận vào người thì khổ cả đời nó đấy. Cãi không được và nghĩ cũng thấy… đúng, vợ chồng nó lại phải đi làm thủ tục đổi lại tên cho con.
Anh bạn làm giáo viên ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) kể, hồi mới ra trường, anh được điều động về dạy ở xã Mường Ải, nơi có nhiều đồng bào Khơ Mú sinh sống, ban ngày dạy chữ cho trẻ, đêm dạy xóa mù chữ cho người lớn.
Khi điểm danh lớp xóa mù chữ, anh giật mình với cái tên lạ Cụt Mẹ Đầu. Tưởng nhầm, hỏi lại thì đúng là họ tên thật của một chị gần 40 tuổi. Theo phong tục của người Khơ Mú, khi nhỏ, trẻ vẫn có tên lót là Văn và Thị. Nhưng khi có con đầu lòng, tất cả đều đổi lại tên lót. Đàn ông đổi từ Văn thành Phò, phụ nữ đổi từ Thị thành Mẹ. Chị Đầu cũng vậy và mới có cái tên lạ như thế.
Anh Hồng ở xã tôi yêu cô Nga ở xã bên. Hai người thề hẹn trăm năm bên nhau. Nhưng oái oăm thay, bố cô Nga cũng tên Hồng nên ông bố nhất quyết không gả con gái cho người cùng tên vì “phạm húy”.
Rốt cuộc, anh Hồng phải đi đổi thành tên Hùng. Khi tận mắt nhìn thấy cái giấy khai đã đổi tên chìa ra trước mắt, ông Hồng mới gật đầu chấp nhận gả con.