(GD&TĐ) – Nhiều vệt rừng nhiệt đới lớn trên thế giới đã chính thức được bảo vệ khỏi phá rừng, tuy nhiên, một nhóm bảo tồn quốc tế cho biết điều này có thể là chưa đủ để cứu rừng.
Một báo cáo của Tổ chức rừng nhiệt đới quốc tế xuất bản hôm qua (7.6) nói rằng nhiều vùng đất đã được dành ra để trồng rừng đã không được quản lý một cách bền vững, khiến chúng trở nên dễ bị hư hại khi sản xuất nông nghiệp và nhiên liệu sinh học đang ngốn dần từng hecta.
Cây bị đốn ngã tại một khu rừng nhiệt đới ở Cameroon, châu Phi |
“Sự phá rừng đang giảm xuống và có một diện tích rừng tăng lên đáng kể đang được bao phủ và bảo vệ” – ông Duncan Poore, một trong những tác giả của bản báo cáo cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “triển vọng có thể không khả quan”.
Đó là bởi vì giá thực phẩm nhiên liệu tăng lên khiến đất còn lại được bao phủ bởi cây rừng trở nên kém lợi nhuận hơn nhiều so với đất để trồng đậu và lúa mì. Với vấn đề đối phó khí hậu toàn cầu vẫn là một triển vọng xa vời thì không có gì cho thấy rõ rằng số tiền mà các công ty giàu có đang đổ vào rừng nhiệt đới để giảm bớt khí thải nhà kính sẽ còn tiếp tục.
Bản báo cáo đã tính 761 triệu hecta được gọi là “đất rừng lâu năm” là đất được để riêng để trồng rừng nhiệt đới lâu dài. Đó là diện đích tương đương với diện tích Australia, tuy nhiên báo cáo cảnh báo rằng chỉ có 10% số đất này được quản lý một cách bền vững, tức là việc thu hoạch gỗ, rau của quả tại đây được giới hạn trong các cấp độ cho phép và các vành đai rừng đều an toàn.
Ông Poore nói rằng cộng đồng quốc tế nên tập trung đảm bảo rằng 700 triệu hecta đất còn lại dành ra để trồng rừng được quản lý một cách bền vững. Nếu được như vậy, theo ông, chúng ta có thể sống với số đất còn lại được biến thành nơi trồng lương thực và các mục đích khác.
Tổ chức rừng nhiệt đới quốc tế có trụ sở tại Nhật Bản, được thành lập năm 1986, bao gồm 33 quốc gia thành viên, với tổng số diện tích rừng nhiệt đới là 1,42 tỉ hecta, chiếm 85% diện tích rừng của cả thế giới.
Hà Châu (Theo AP)