Giúp người đọc hiểu rõ hơn về những dòng sông, hồ, đầm… nổi tiếng ở dải đất hình chữ S, nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín cùng viết “Dạt dào sông nước”. Với cách trình bày khoa học, dễ hiểu, tác phẩm độc đáo, ý nghĩa này hứa hẹn là cuốn sách địa lí gối đầu giường cho mọi lứa tuổi.
Du lịch Bắc - Nam
Cuốn sách 'Dạt dào sông nước' nằm trong bộ 'Thiên nhiên đất nước chúng ta' do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Anh Sơn |
Dòng sông đầu tiên được nhắc đến trong “Dạt dào sông nước” chính là sông Hồng, một trong những dòng sông lớn và nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam hay theo như tên của chương hai thì đây chính là “cái nôi của nền văn minh sông Hồng”.
Điều đó khẳng định sự vĩ đại và quan trọng của dòng sông luôn mang nặng phù sa này. Trước khi được biết đến với cái tên thể hiện màu nước đặc trưng ấy, “Sông Hồng còn có nhiều tên gọi. Một trong các tên gọi dân gian là sông Cái. Cái trong tiếng Việt cổ có nghĩa là Mẹ”, cuốn sách tiết lộ.
Một điều thú vị nữa là “sông Hồng lại là tên gọi mới mẻ nhất, xuất phát từ… tiếng Pháp”. Đây là thông tin mà có lẽ không nhiều người biết đến khi cái tên tưởng chừng dân dã nhất từ màu nước của dòng sông lại được dịch ngược từ tiếng Pháp: Fleuve Rouge.
Không chỉ thế, từ chi tiết, sông Hồng vắt mình qua miền Bắc Việt Nam trước khi đổ ra biển và tạo ra nền văn minh lúa nước cùng một khu vực đồng bằng rộng lớn màu mỡ trong đó có Thủ đô Hà Nội, cuốn sách giới thiệu về tên gọi “Hà Nội” - “Địa danh Hà Nội được “diễn Nôm” là thành phố “trong sông”, tức được sông ngòi bao quanh”.
Rồi thì, theo câu chuyện về sự khởi nguồn: Hồng Hà được tạo nên bởi ba dòng sông: Sông Thao, sông Đà và sông Lô, tác phẩm đưa người đọc du hành qua từng dòng sông bằng du thuyền. Không chỉ miêu tả chân thực những đặc điểm địa lí của dòng sông mà các tác giả cặn kẽ kể chuyện dòng nước hòa trong các câu chuyện lịch sử được đan cài vào từng địa danh.
Cách viết này thật khéo léo, không gây quá tải thông tin đối với độc giả. Mỗi dòng sông lớn lại được tạo ra từ nhiều phụ lưu và mỗi phụ lưu lại có những mẩu kiến thức chờ được người đọc thu nạp.
Cứ như vậy với dòng sông Hồng là mạch chính, nhóm tác giả lần lượt giới thiệu được cơ bản hầu hết các dòng sông quan trọng ở miền Bắc một cách dễ hiểu và dễ nhớ giống như một sơ đồ tư duy.
Ngoài ra, những công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo gắn liền với sông nước như cầu Long Biên, đê sông Hồng cũng hiện diện trên trang sách thật gần gũi với độc giả.
Tiếp tục bằng những trang viết khoa học mà chi tiết như thế, chuyến thuyền “Dạt dào sông nước” đưa mọi người đến miền Tây với dòng Cửu Long hay lướt qua hệ thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ. Như nhiều tài liệu địa lí khác, cuốn sách vẽ ra bức tranh tổng quan về chín “cửa rồng” ngày đêm đổ ra biển cũng như những kênh rạch chằng chịt.
Tuy nhiên trên bức tranh đó “Dạt dào sông nước” còn điểm lên các chi tiết độc đáo của chợ nổi hay những công sức kiến thiết quê hương của thế hệ đi trước: “Ngày nay tuy đã có giao thông đường bộ thuận lợi, tại các thành phố đã có những chợ lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, nhưng hình thức chợ nổi không mất đi, mà còn trở thành một nét đặc sắc thu hút khách du lịch”.
Cũng từ những dòng chảy này, tác giả đặt ra những vấn đề nhức nhối về môi trường nước “sống chung cùng hưởng, cùng bảo vệ”. Đó là việc khai thác quá mức dòng sông Mekong - thượng nguồn sông Cửu Long - khi hàng chục đập thủy điện được xây dựng khiến tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường. Những vấn đề đó sẽ là mục tiêu để các bạn trẻ sau khi được truyền tình yêu sông nước từ cuốn sách cần có trách nhiệm tìm lời giải trong tương lai.
Gợi ý khám phá
Nhiều trang sách được minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn |
Ngoài những dòng sông, hồ nước, đầm, phá cũng là một phần quan trọng của sông nước Việt Nam. Tác phẩm này đã gợi ý rất nhiều địa điểm hồ, đầm phá đẹp, hoang sơ để những người đam mê du lịch có thể đến và khám phá. Các hồ nước cho dù là nhân tạo hay tự nhiên đều được các tác giả gắn với mẩu chuyện lí thú và khẳng định vai trò quan trọng với khu vực xung quanh.
Có những hồ nhân tạo đã tạo nên một biểu tượng của tinh thần lao động của nhân dân Việt Nam như “công trình thủy điện Hòa Bình được coi là “Công trình thế kỉ 20” của đất nước”.
Đến thăm những công trình như thế này không chỉ là một chuyến đi chơi mà còn là một bài học cho thế hệ trẻ về một khoảng thời gian khó khăn mà thế hệ trước đã vượt qua và chinh phục thiên nhiên thành công.
Bên cạnh đó, có vai trò quan trọng không kém những khu vực chứa nước, các mạch nước ngầm cũng được nhóm tác giả nhắc đến như một nguồn tài nguyên tuyệt vời “Việt Nam có tài nguyên nước ngầm tương đối phong phú, đứng hàng thứ 34 trong tổng số 155 quốc gia”. Nước ngầm tại Việt Nam khá dồi dào và là một trong những nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân từ xa xưa, gắn liền với hình ảnh giếng nước.
“Dạt dào sông nước” được khép lại bằng vấn đề nhức nhối đã lâu nhưng khó chữa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đó là sự ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên nước… qua đó một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của những dòng nước mát.
Vì vậy, “Dạt dào sông nước” là một cuốn sách lý thú không thể bỏ qua cho những ai đam mê và muốn tìm hiểu về sông nước, đồng thời cũng rất bổ ích khi chứa đựng nhiều thông tin thời sự, các vấn đề về môi trường nước luôn được cộng đồng quan tâm.