Đất nào cho nhạc không lời?

GD&TĐ - Không hào nhoáng, không bị dính scandal, không dễ bị lung lạc trước những biến cố cuộc sống, luôn vững tin và đi theo con đường đã lựa chọn, nhạc không lời đã tạo được dấu ấn và phong cách riêng mà không bị hòa lẫn với thị trường âm nhạc vốn dĩ luôn thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, người làm nghề không tránh khỏi những xót xa…

Vài năm gần đây, việc sản xuất CD nhạc không lời vào thời điểm con người đặt công nghệ lên đầu thì không khác gì "trứng chọi đá".
Vài năm gần đây, việc sản xuất CD nhạc không lời vào thời điểm con người đặt công nghệ lên đầu thì không khác gì "trứng chọi đá".

Không sợ “lạc mốt”

Không cần những chiêu trò lăng-xê như thị trường nhạc có lời, cũng không cần nhiều hình thức quảng bá, những CD nhạc không lời vẫn đang âm thầm len lỏi trong dòng chảy âm nhạc đại chúng và có một đời sống riêng khá "êm ấm".

Chi phí để sản xuất một album nhạc hòa tấu, độc tấu có khi chưa bằng phân nửa đĩa nhạc có ca sĩ hát, tiến trình sản xuất lại nhanh hơn. Tuy không ào ạt như các ca sĩ hot trên thị trường nhưng CD nhạc không lời lại bán theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, cứ lai rai qua năm này đến năm khác, không lo bị "lạc mốt" trên thị trường.

Hơn nữa, với chi phí đầu tư không quá cao, không có ca sĩ ngôi sao “hét” giá, sản xuất CD nhạc không lời vì thế mà ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, để có thể đến tay người mua, nhà sản xuất và nghệ sĩ cũng phải đầu tư cho hòa âm - phối khí vì nếu chất lượng không tốt thì chắc chắn là không thể bán đường dài.

Sự đổi mới cũng rất quan trọng, các nhà sản xuất và nghệ sĩ phải liên tục ra những chương trình mới. Hơn nữa, việc thăm dò thị trường cũng rất cần thiết, nói cách khác, CD nhạc không lời muốn bán được thì phải đánh vào tâm lý hoài niệm của người tiêu dùng khó tính.

Những nghệ sĩ nước ngoài khi hướng về thị trường Việt Nam với thái độ thăm dò đã từng tỏ ra ngạc nhiên trước phản hồi từ khán giả. Nghệ sĩ đàn Tranh Vân Ánh đang định cư tại Mỹ cũng phải thừa nhận, những sản phẩm CD của chị khi có dịp cộng tác với nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng được khán giả hồ hởi chào đón. Điều đó khiến chị càng có thêm động lực về Việt Nam biểu diễn và lên ý tưởng cho những sản phẩm mới...

Có lần về Việt Nam biểu diễn, nghệ sỹ Bích Trà đã mang theo 100 CD album mới nhất của mình (album độc tấu piano cổ điển Joseph Joanchim Raff: Piano works 1 & 2) với giá bán không hề "mềm" nhưng cuối cùng đã bán hết sạch trong vòng gần nửa tiếng đồng hồ. Đối với chị, đây thực sự là một bất ngờ.

Tuy nhiên, bấy nhiêu dường như chưa xứng với mảng âm nhạc lâu nay được "gắn mác" hàn lâm. Người trong giới cần nhiều sáng tạo hơn nữa để nhạc không lời tìm lại vị trí cũng như đẳng cấp của mình.

Nghệ sĩ cần “sắm vai” nhà kinh doanh?

Vài năm gần đây, việc sản xuất CD nhạc không lời vào thời điểm con người đặt công nghệ lên đầu thì không khác gì "trứng chọi đá". Không ít nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc không lời chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Không hạn chế được sự cởi mở và "hiếu khách" của giới nghệ sĩ "ảo", những nghệ sĩ ngoài đời chỉ có thể trông chờ vào ý thức của khán giả.

Những nghệ sĩ "ảo" cùng sự tiếp tay của công nghệ là mối đe dọa lớn cho những sản phẩm âm nhạc chân chính, chỉ cần lên YouTube - một trang chia sẻ video clip vô cùng "cởi mở" cùng vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể tự chế CD cho riêng mình mà chẳng tốn một xu.

Nghệ sĩ "ảo" ngày nay xuất hiện rất nhiều, họ không cần công khai tên tuổi cũng chẳng cần nổi tiếng nhưng sẵn sàng cover những bản nhạc cực "đã tai" và chia sẻ không giới hạn. Niềm vui và thành quả của những nghệ sĩ "ảo" chỉ có thể tính bằng lượng view và lượng download. Khán giả thì có hẳn một thị trường nhạc không lời miễn phí.

Công bằng mà nói, không phải ai cũng ủng hộ trào lưu nghe và xem thiếu ý thức. Vẫn còn đó nhiều khán giả đang ủng hộ thị trường nhạc chính thống bằng cách mua CD. Hành động này không hẳn nhằm vào doanh thu của giới nghệ sĩ hay nhà sản xuất mà còn vì mục đích "cứu" một thị trường âm nhạc đẳng cấp.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, thị trường nhạc không lời ở Việt Nam vẫn sống ổn. Nói riêng ở dòng cổ điển, jazz, hòa tấu… của các nghệ sĩ quốc tế thì ở Việt Nam đó là một thị trường ăn nên làm ra. Tất cả các cửa hàng băng đĩa tại đây, với những sản phẩm quốc tế nổi tiếng, đều bán chạy và có sức mua ngày càng cao hơn.

Nhưng cần nhấn mạnh rằng sự "ăn nên làm ra" của thị trường nhạc không lời chỉ nên áp dụng cho những sản phẩm "có yếu tố nước ngoài". Còn những nghệ sĩ sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, lâu nay họ tranh đấu giành giật thị phần như thế nào cho mảng nhạc không lời?

Không dễ để trả lời câu hỏi này. Nhưng cũng không quá khó để kể tên những mối đe dọa đối với thị trường nhạc không lời trong nước, không kể cuộc đổ bộ của những sản phẩm CD gắn mác ngoại thì CD nhạc không lời của các nghệ sĩ Việt cũng gặp phải rất nhiều rào cản trên con đường đến với "khách hàng" - những khán giả đích thực. Có lẽ giới nghệ sĩ phải "sắm vai" một nhà kinh doanh có tài mới mong bán được sản phẩm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ