Khi đó, nguy cơ bùng phát dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.
Mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết
Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp sốt xuất huyết dengue thể nặng có dấu hiệu cảnh báo, biến chứng cô đặc máu nghiêm trọng trên nền bệnh nhân ghép thận.
Cụ thể, bệnh nhân nam (27 tuổi), trú tại Hà Nội, có tiền sử ghép thận được 6 năm, đang duy trì thuốc ức chế miễn dịch Cellcept. Bệnh nhân chưa từng mắc sốt xuất huyết Dengue và cũng chưa tiêm phòng vắc-xin sốt xuất huyết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục ba ngày.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm mạnh, tình trạng cô đặc máu nghiêm trọng. Triệu chứng lâm sàng gồm bụng chướng căng, phù toàn thân, khó thở, SpO2 giảm còn 93% dù đã thở oxy kính 3 lít/phút.
Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ truyền dịch tinh thể nhưng không cải thiện. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển hướng sang truyền dịch cao phân tử và albumin. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống và tiểu tiện tốt. Sang ngày thứ 9, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ, tỉnh táo hoàn toàn, không còn chảy máu tự nhiên, bụng đỡ chướng, hết phù, chức năng ăn uống và tiểu tiện trở lại bình thường.
Từ đầu năm đến ngày 8/7, Việt Nam ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.
Theo ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, hiện nay, nước ta đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển.
Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và TPHCM tăng 151,4%. Trong đó, thời gian qua, TPHCM liên tục ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng sốc nặng, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương. Trung bình mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và khoảng 100 ca tử vong. Bệnh diễn ra quanh năm, nhưng thường tăng mạnh trong các tháng từ tháng 6 đến tháng 11. Mặc dù, số ca mắc tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố phía Nam, song những năm gần đây, khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng bắt đầu ghi nhận số mắc tăng dần.
Nguy cơ bùng phát dịch
Theo ông Võ Hải Sơn, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng tại các địa phương nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách quyết liệt và đồng bộ.
“Cho đến nay, dịch sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc trong thời gian tới là rất lớn. Theo dõi nhiều năm qua cho thấy, số ca mắc thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12. Đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn - từ khoảng 5 năm một đợt trước đây, nay còn khoảng 3 - 4 năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000”, ông Võ Hải Sơn cho biết.
Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình và đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt những nơi có số ca mắc cao, cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.
Một trong những biện pháp mới để phòng bệnh sốt xuất huyết là vắc-xin. Việc đưa vắc-xin vào tiêm chủng là tín hiệu tích cực, góp phần giảm số mắc và tử vong, hỗ trợ thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, vắc-xin không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống.
Để đạt hiệu quả phòng chống dịch bền vững, vẫn cần duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát véc tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch sớm và triệt để, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là huy động sự tham gia chủ động từ mỗi người dân.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, việc chủ động tiêm vắc-xin sốt xuất huyết, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Sự phối hợp giữa tiêm phòng, theo dõi sát và can thiệp y khoa kịp thời là “chìa khóa” kiểm soát hiệu quả bệnh. Tiêm vắc-xin phòng sốt xuất huyết có thể kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu, chủ động với các tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
Vắc-xin phòng sốt xuất huyết Qdenga đã được Bộ Y tế cấp phép vào tháng 5/2024. Đây là vắc-xin được sản xuất tại Đức, của hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản. Vắc-xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết được chỉ định tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, kể cả những người đã mắc sốt xuất huyết trước đây. Vắc-xin mang lại hiệu quả phòng bệnh do cả 4 tuýp huyết thanh virus sốt xuất huyết với hiệu quả cao trên 80%, ngăn chặn nguy cơ nhập viện đến 90%. Mọi người dân được khuyến cáo tiêm vắc-xin sốt xuất huyết, nhất là người lớn tuổi, người cao huyết áp, mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hen suyễn…, người mắc bệnh lý về huyết học như thiếu máu, tan máu..., người từng mắc sốt xuất huyết.