Đất học Nam Định quyết tâm hiện thực hóa chiến lược phát triển giáo dục

GD&TĐ - Nam Định phát triển giáo dục dựa trên nền tảng chuyển đổi số và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động dạy – học và tâm huyết của nhà giáo.

Nỗ lực tạo sự đổi thay từ dạy học Chương trình GDPT 2018 chất lượng tại Trường Tiểu học Hải Cường.
Nỗ lực tạo sự đổi thay từ dạy học Chương trình GDPT 2018 chất lượng tại Trường Tiểu học Hải Cường.

Hiện thực hóa mục tiêu như Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Nam Định quyết tâm giữ vững sự ổn định và phát triển chất lượng.

Quyết tâm chính trị

Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Không chỉ là động lực mà còn là niềm tin để toàn ngành GD&ĐT tỉnh Nam Định quyết tâm thực hiện.

Nam Định, với truyền thống hiếu học và học giỏi, đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh chung tay cùng cả nước xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Trong mục tiêu hướng đến Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Nam Định tự nhận thấy, nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT, sự đồng lòng của người dân và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thể hiện qua các Nghị quyết tỉnh đảng bộ về phát triển giáo dục đã khẳng định quyết tâm chính trị cao.

Những giờ học đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở Trường THPT C Hải Hậu.

Những giờ học đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở Trường THPT C Hải Hậu.

Không chỉ giữ vững vị thế của một tỉnh có phong trào giáo dục mạnh nhất nước, mà còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đặt mục tiêu cho từng bậc học: mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên. Hàng năm, ngành GD&ĐT cũng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục được Bộ GD&ĐT và tỉnh Nam Định giao, bằng những chỉ số phát triển cụ thể cho từng bậc học.

Những chỉ số này sẽ là thước đo để định lượng được kết quả phát triển qua từng năm học. Những kết quả đạt được của giáo dục Nam Định rất cụ thể, là những con số biết nói minh chứng cho những cố gắng của địa phương. - NGƯT Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Cộng đồng trách nhiệm

Huyện Hải Hậu một trong những địa phương dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh Nam Định, NGƯT Vũ Thế Hưng - Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Có được điều này là chúng tôi luôn đề cao kỷ cương, tình thương và trách nhiệm trong các nhà trường. Điều này được thể hiện qua các hoạt động chuyên môn theo cụm trường được đẩy mạnh.

Toàn ngành xác định: sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường là một trong những phương thức bồi dưỡng đội ngũ tại chỗ có hiệu quả cao. Hiện thực hóa hoạt động dạy – học chất lượng theo định hướng chiến lược phát triển từng năm, bằng việc tổ chức các hoạt động với các chủ đề thiết thực, tạo tác động tích cực trong ngành.

Nằm ở xóm 7, xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Trường Tiểu học Hải Cường đang tạo sự đổi thay chất lượng với Chương trình GDPT 2018. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: Giáo viên toàn trường đã chủ động khắc phục khó khăn nhập cuộc, sáng tạo và nỗ lực trong các hoạt động dạy học để đạt được kết quả cao nhất.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi truyền thông tới cha mẹ học sinh về đổi mới chương trình SGK theo chương trình GDPT 2018 để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ hơn về việc đổi mới chương trình GDPT mới nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT nói chung. Trường cũng yêu cầu giáo viên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy và học, thực hiện các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu Chương trình giáo dục mới.

Nỗ lực tạo sự đổi thay từ chất đến lượng trong từng giờ lên lớp ở Trường THPT C Hải Hậu

Nỗ lực tạo sự đổi thay từ chất đến lượng trong từng giờ lên lớp ở Trường THPT C Hải Hậu

Nhà giáo Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu nói rõ hơn về quyết tâm chính trị của tập thể nhà trường: Chúng tôi quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, các thầy cô giáo thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện hoạt động dạy – học. Đặc biệt thời gian qua, đổi mới chương trình SGK và thực hiện số hóa trong các hoạt động dạy học.

Các thầy cô đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn. Ở Trường THCS Hải Lý, thuận lợi là chính quyền địa phương, ngành giáo dục, nhà trường và các bậc phụ huynh đã đồng hành và luôn xác định thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục. Không phải không có những bỡ ngỡ, lúng túng khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, vượt lên tất cả các thầy cô đã cùng học trò vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn ở Trường THPT C Hải Hậu, nhà giáo Nguyễn Văn Chiểu - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường luôn bám sát chỉ đạo của ngành GD&ĐT. Trong đó, gắn với sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chân dung học sinh, kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, kế hoạch phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2030 và thế mạnh của nhà trường.

Xây dựng được môi trường học tập, rèn luyện thân thiện, nền nếp, kỷ cương, chất lượng, nhân văn, đội ngũ tâm sâu, giàu đức, đủ tài để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo, tiềm lực của mình; giúp cho học sinh phát huy được những năng lực, phẩm chất và có khả năng đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Nam Định tự tin hòa nhịp cùng 10 giải pháp nhằm phát triển giáo dục Việt Nam được đề cập trong dự thảo chiến lược bao gồm: Hoàn thiện thể chế; đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới chương trình, nội dung phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; thúc đấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ