Khẳng định vị thế từ quyết tâm hiện thực hóa chiến lược phát triển giáo dục

GD&TĐ - Quyết định chuyển trụ sở lên Hòa Lạc, ĐHQGHN đã thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của một đại học lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong một lần tới thăm ĐHQGHN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong một lần tới thăm ĐHQGHN.

Với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã quyết định việc thành lập và tập trung đầu tư cho hai đại học quốc gia để Việt Nam sớm có các đại học đẳng cấp thế giới. Đích thân cố Thủ tướng đã chọn vị trí cuối Đại lộ Thăng Long ở Thạch Thất, Hà Nội, là nơi giao thoa, điểm nối trung tâm Thủ đô Hà Nội và Hòa Lạc làm địa điểm xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Từ tầm nhìn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày đó và chiến lược phát triển ĐHQG hiện nay cùng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục quốc gia đã cho thấy tầm nhìn lớn

Xứng tầm đại học quốc gia

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hai Đại học Quốc gia (ĐHQG), trong đó có ĐHQGHN phát triển, Thường vụ Bộ Chính trị đã có Kết luận số 315-TB/TW ngày 29/8/2000, nêu rõ: “Chủ trương xây dựng hai ĐHQG thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới.

Niềm vui của các sinh viên trong ngôi nhà VNU - ĐHQGHN.

Niềm vui của các sinh viên trong ngôi nhà VNU - ĐHQGHN.

ĐHQG chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, của các Bộ, ngành khác trong lĩnh vực liên quan phù hợp theo quy định của Chính phủ và Luật Giáo dục, đảm bảo quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQG; tạo cho được ĐHQG trở thành một thực thể hữu cơ phát huy cao nhất hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất...”.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết: Tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban lãnh đạo ĐHQGHN, Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học quốc gia, việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời gợi ý mô hình “5 trong 1” trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

Giảng đường HT1 tại Hòa Lạc rộng cửa đón chào sinh viên lên học tập.

Giảng đường HT1 tại Hòa Lạc rộng cửa đón chào sinh viên lên học tập.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, ĐHQGHN đã tập trung toàn lực vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa 15.000 sinh viên lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Điều này phù hợp với chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP. HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm ra ngoại thành để giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và những ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Bản lĩnh và trách nhiệm

Chỉ trong vòng 6 tháng, ĐHQGHN đã có một quyết định mạnh mẽ thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của đại học lớn khi chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc theo Thông báo số 1666/TB-ĐHQGHN. Từ thời điểm này, toàn thể cán bộ khối Cơ quan ĐHQGHN (bao gồm Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN) tiếp tục làm việc tại Hòa Lạc. Nói như Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân: Khi ĐHQGHN chuyển động, con người và ý chí vì sự phát triển ĐHQGHN như được tiếp thêm niềm tin, động lực để vươn cao và xa hơn nữa.

Sinh viên vui mừng với quyết định chuyển lên trụ sở mới Hòa Lạc.

Sinh viên vui mừng với quyết định chuyển lên trụ sở mới Hòa Lạc.

Quyết định chuyển ĐHQGHN lên Hòa Lạc, đặc biệt là đưa sinh viên lên học tập tại đây không phải dễ dàng, cũng có những lo lắng việc chuyển trụ sở này sẽ dẫn đến khó khăn khi tuyển sinh. Tuy nhiên bằng những tính toán, phân tích hết sức chi tiết, các phương hướng triển khai được đưa ra chấp nhận khó khăn trước mắt nhưng ổn định lâu dài, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm đương đầu với những khó khăn trước mắt là điều mà ban lãnh đạo ĐHQGHN nhìn thấy và thống nhất cao từ đó đưa ra quyết định chuyển trụ sở làm việc và từng bước đưa sinh viên lên học tập đã được triển khai ngay trong năm học này.

Chọn ngày 19/5/2022 chuyển trụ sở lên Hòa Lạc, ĐHQGHN ghi dấu ấn cùng với việc đã tổ chức Lễ trao Học bổng ươm tạo tài năng trẻ dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có năng lực nghiên cứu xuất sắc của ĐHQGHN. Điều đáng nói ĐHQGHN là đại học công lập đầu tiên cấp học bổng có giá trị lớn cho hệ thực tập sinh sau tiến sĩ. Học bổng này sẽ có ý nghĩa và góp phần tạo nên những đột phá trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN.

Thế hệ trẻ ĐHQGHN đang hiện thực hóa chiến lược phát triển giáo dục.

Thế hệ trẻ ĐHQGHN đang hiện thực hóa chiến lược phát triển giáo dục.

Thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và trách nhiệm của một đại học lớn, trong chiến lược phát triển của mình ĐHQGHN luôn thể hiện vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia với các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tri thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phục vụ cho cộng đồng và đóng góp cho xã hội. Đóng vai trò là đại học hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, ĐHQGHN đã xây dựng danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025.

Bước vào thế kỷ 21 với sự phát triển của nền kinh tế số - kinh tế tri thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và toàn cầu hoá đặt ra yêu cầu phải phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là các ngành kỹ thuật công nghệ để đưa Việt Nam tăng tốc, bứt phá đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn đặt ra với ĐHQGHN phải đổi mới, sáng tạo, chuyển động một cách căn cơ để phát triển theo đúng định hướng chiến lược phát triển ĐHQGHN và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ