Phát triển giáo dục là con đường ngắn nhất xóa đói giảm nghèo
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
Tiếp đoàn công tác có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Trịnh Việt Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải - nhấn mạnh, Thái Nguyên luôn xác định giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ về cách làm mới trong dạy - học tiếng Anh của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho hay: Tỉnh ban hành đề án riêng về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Theo đó, một trong những đột phá của tỉnh là đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ dạy và học tiếng Anh, trong đó hỗ trợ lệ phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho học sinh phổ thông thuộc tỉnh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên. Kinh phí hỗ trợ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, con đường ngắn nhất xóa đói giảm nghèo và thực hiện ước mơ phát triển là phát triển giáo dục. Trên tinh thần đó, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến lĩnh vực này. Những chủ trương, chính sách về giáo dục đều được tỉnh bám sát và triển khai nghiêm túc, đầy đủ.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng “đăng cai” những hoạt động lớn về giáo dục và đào tạo. Coi đó là hoạt động để chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục và đào tạo.
Khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập
Ấn tượng với những kết quả về giáo dục - đào tạo của tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh – nhìn nhận, tỉnh đã ban hành những chính sách đặc thù mà không phải tỉnh nào cũng có. Chẳng hạn như: Đề án hỗ trợ dạy và học tiếng Anh.
Ngoài ra, tỉnh có những đầu tư về cơ sở vật chất, từ trường lớp, phòng chức năng cho đến trang thiết bị dạy học. Qua đó, thể hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bên cạnh đó, Thái Nguyên có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sát thực, trong đó có ưu tiên giáo viên là người dân tộc thiểu số. Qua đó cho thấy, sự quan tâm toàn diện của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ấn tượng với những kết quả về giáo dục, đào tạo của tỉnh Thái Nguyên. |
Đánh giá cao những chính sách ưu tiên theo đặc thù đối tượng, địa bàn vùng đặc biệt khó khăn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các trường nội trú, bán trú. Qua đó, nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc vào học. Cùng với đó, quan tâm các trường thuộc các bộ, ngành đứng chân trên địa bàn, nhất là lĩnh vực quy hoạch, đất đai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những chỉ số giáo dục của tỉnh Thái Nguyên; trong đó có tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà. Đặc biệt, tỉnh quan tâm, chú trọng đến chuyển đổi số giáo dục và thúc đẩy dạy – học ngoại ngữ cho học sinh. Đây được coi là điểm sáng về giáo dục của địa phương.
Tại buổi làm việc, có rất nhiều ý kiến khác nhau, song theo Bộ trưởng, tựu trung lại các ý kiến xoay quanh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai thực hiện. Cùng với đó là việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bộ trưởng đề nghị, Thái Nguyên đã làm tốt rồi, cần tiếp tục làm tốt hơn các vấn đề nêu trên, trong đó có việc kiên cố hóa trường lớp, phòng học chuyên môn và các điều kiện đảm bảo khác. Chú trọng phát triển thư viện trường học truyền thống và thư viện số. Quan tâm xây dựng nhà vệ sinh học đường sạch sẽ.
Đối với hệ thống trường dân tộc nội trú, Bộ trưởng gợi ý, các trường không chỉ thuần túy dạy học sinh là con em đồng bào dân tộc, mà có thể dạy đan xen với học sinh là dân tộc Kinh, để các em có môi trường giao lưu, học tập tốt hơn.
Đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật... khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Bộ trưởng đề nghị địa phương thực hiện tốt cơ chế “đặt hàng” đào tạo giáo viên những bộ môn này.
Cũng theo Bộ trưởng, tới đây, Đại học Thái Nguyên cần tính đến phương án đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho địa phương và khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khuyến khích phát triển hệ thống các trường ngoài công lập…, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nhất là trong điều kiện nguồn lực đầu tư xây dựng trường công lập còn khó khăn.