Đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển giáo dục đại học

GD&TĐ - Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với việc phát triển giáo dục đại học (GD ĐH) trong giai đoạn hiện nay.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển giáo dục đại học

Thể chế hóa quan điểm của Đảng

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh phân tích, năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật GD ĐH. Đây là đạo luật đầu tiên tạo hành lang pháp lí cho việc phát triển GD ĐH. Vào thời điểm ra đời, Luật GD ĐH đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy GD ĐH phát triển, bước đầu đặt nền móng cho việc xây dựng tự chủ ĐH.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, tạo nên những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong GD ĐH cần được tháo gỡ. Cùng với đó, những thay đổi về chủ trương, quan điểm phát triển GD ĐH, nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển nền kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới… đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lí hoàn thiện hơn trong việc phát triển GD ĐH.

Cũng theo PGS Vũ Thị Lan Anh, lí do thứ 2 cần phải sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH đó là, nhu cầu thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH theo Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư, Nghị quyết số 19-NQ/T.Ư mới đây của BCH Trung ương. Các Nghị quyết này đã đặt ra định hướng, chủ trương, chính sách và các yêu cầu rất rõ ràng về việc hoàn thiện GD ĐH, thể hiện ở những nội dung như: Vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD ĐH; Hoàn thiện mô hình của ĐH Quốc gia, ĐH vùng; Đẩy mạnh xã hội hoá GD ĐH; Đổi mới công tác quản lí nhà nước về GD ĐH; Đẩy mạnh tự chủ ĐH; Áp dụng mô hình doanh nghiệp trong quản lí GD ĐH…

Vì thế, cần thiết phải xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH để thể chế hoá những quan điểm, chủ trương đó thành các quy định của pháp luật để có cơ sở pháp lí áp dụng trong thực tiễn.

Đáp ứng yêu cầu của thực tế

Theo tôi, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH lần này về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc phát triển GD ĐH.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

Lý do tiếp theo, PGS Vũ Thị Lan Anh cho rằng, cần thiết phải sửa Luật đó là, do nhu cầu đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ trong hệ thống các văn bản luật liên quan đến GD ĐH, trong bối cảnh sau thời điểm Luật GD ĐH có hiệu lực năm 2013, hàng loạt các văn bản luật mới ra đời. Trong đó, quan trọng nhất là Hiến pháp năm 2013 và hàng loạt các văn bản luật khác có liên quan đến GD ĐH ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Luật Đầu tư công, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lí và sử dụng tài sản công…

Các văn bản pháp luật mới ra đời đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH để tạo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp trong hệ thống pháp luật.

Để đảm bảo các yếu tố trên, nhiệm vụ của Ban soạn thảo Luật GD ĐH là phải rà soát, đánh giá Luật GD ĐH hiện hành cũng như thực tiễn thi hành Luật GD ĐH, để chỉ ra những vướng mắc, những nút thắt chủ yếu cản trở sự phát triển của GD ĐH, những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật GD ĐH với hệ thống văn bản pháp luật khác, trong đó đặc biệt chú trọng đến Hiến pháp và các văn bản luật có liên quan, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm nước ngoài trong lĩnh vực GD ĐH đảm bảo tính hội nhập quốc tế để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cho phù hợp.

“Đánh giá chung, tôi thấy Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH trình Quốc hội Khóa 14 xem xét vào kì họp tháng 5 này, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu trên” - PGS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh.

3 ưu điểm nổi bật

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH có 3 ưu điểm:

Thứ nhất, đã phát huy được những điểm mạnh, những ưu điểm của Luật hiện hành, đồng thời khắc phục được những hạn chế bất cập cơ bản, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những nút thắt chủ yếu trong GD ĐH và tạo tác động tích cực đối với sự phát triển GD ĐH trong tương lai. Trong quá trình rà soát, sửa đổi Luật, Ban soạn thảo đã học hỏi nhiều kinh nghiệm các nước có nền GD ĐH tiên tiến trên thế giới nên Dự thảo có nhiều quy định tiến bộ, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Thứ 2, đã thể chế hoá được chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD ĐH, thể hiện ở những điều khoản rất cụ thể trong Dự thảo.

Thứ 3, đã có sự rà soát những mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật GD ĐH hiện hành với hệ thống các văn bản pháp luật khác ra đời sau thời điểm Luật GD ĐH có hiệu lực. Ví dụ, Dự thảo đã cập nhật rất tốt những quy định trong Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, Luật GD Nghề nghiệp, Luật Quản lí và sử dụng tài sản công… để có sự chỉnh sửa phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ