Gắn với thực tiễn nhiều hơn
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Marie Curie, quận 3 (TPHCM) cho rằng, dự thảo so với chương trình hiện hành đã có những thay đổi đáng hoan nghênh. Việc dành khoảng 21% tổng thời lượng của chương trình cho các trải nghiệm Toán học trong đời sống và loại bỏ hẳn những mưu mẹo, đánh đố ra khỏi chương trình là điều cần thiết và có lẽ cũng là mục đích của môn Toán phổ thông.
Việc đưa hoạt động trải nghiệm trong toán học là hợp lý và tăng tính ứng dụng, tính thực tiễn, giúp các em hứng thú và yêu thích bộ môn này.
Thạc sĩ Toán học Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú (TPHCM) nêu quan điểm: Những thay đổi môn Toán trong chương trình mới là rất hợp lý, nhằm đưa Toán học đến gần hơn với người học để các em tiếp cận một cách nhẹ nhàng hơn. Những bài toán có tính ứng dụng sẽ gợi mở cho các em rất nhiều điều liên quan đến cuộc sống, gắn kết với thực tiễn chứ không riêng dừng lại ở học môn Toán.
Thêm vào đó, qua bản tóm tắt về dự thảo môn Toán, chúng ta cũng thấy được sự phân hóa dành cho các đối tượng học sinh, giao quyền chủ động cho người dạy, người học để phát huy sở trường, năng lực với bộ môn này, thậm chí là sự sáng tạo để thoát ra được việc rập khuôn và máy móc. Điều này chính là những cải tiến phù hợp với thực tiễn toán học của thế giới để học sinh của chúng ta sẵn sàng hòa nhập được với thế giới.
Dự thảo chương trình môn Toán đã đảm bảo tính chỉnh thể, thống nhất và phát triển liên tục từ lớp 1 đến lớp 12. Chú trọng đến phát triển năng lực của HS là điều giáo viên mong đợi và hài lòng. Từ dự thảo này, theo thầy Bùi Gia Hiếu, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, chủ động trong tiếp cận chương trình mới.
Phù hợp với xu thế của thế giới
Thầy giáo Nguyễn Đôn Tấn Kha, giáo viên Tin học, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 (TPHCM) cho rằng: Việc đưa môn Tin học là môn bắt buộc có phân hóa, xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9 thay vì là môn tự chọn như chương trình hiện hành, còn ở cấp THPT, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh là điều các giáo viên bộ môn rất vui và ủng hộ.
Thầy cho hay, ở các nước khác họ đưa Tin học vào chương trình giáo dục từ rất sớm. Mọi người có thể nhìn thấy những phần mềm rất hay, ứng dụng cho các HS tiểu học học tập, nghiên cứu bộ môn này, từ đó phát hiện ra rất nhiều nhà lập trình nhí tài năng. Vì vậy, cho các em tiếp xúc, làm quen càng sớm bộ môn này là điều rất đáng hoan nghênh.
Bên cạnh đó, thầy Kha cũng rất mong đợi bộ SGK mới, bởi theo thầy, “hiện nay, chúng tôi vẫn sử dụng giáo trình tham khảo của Sở, của Bộ, chuẩn quốc tế và tự cập nhật để phục vụ cho tiết giảng của mình vì chưa phải là chương trình bắt buộc, chỉ là tự chọn nên chưa có một khung chương trình chuẩn, đồng bộ”.
Đồng tình với dự thảo môn Tin học, cô giáo Phan Thị Hương, bộ môn Tin học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh (TPHCM) cho rằng, việc đổi mới chương trình bộ môn Tin học là điều rất cần thiết ở thời đại công nghệ lên ngôi như hiện nay. Đó là xu thế của thế giới.
Qua dự thảo cũng thấy được đã có những thay đổi so với chương trình hiện hành. Chương trình cũ đã quá nặng về lý thuyết, nội dung đã có phần lỗi thời khiến nhiều em HS không thích thú. Bởi nếu so với khả năng nắm bắt CNTT như hiện nay của các em, các em đã vượt xa giáo trình đang giảng dạy. Vì vậy, khi áp dụng chương trình mới, HS sẽ được thực hành nhiều hơn, tăng khả năng ứng dụng thực tế hơn, để các em thích thú hơn với bộ môn này. Từ đó, định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, bồi dưỡng và phát triển thêm để đáp ứng được công việc hoặc học lên cao hơn.
Cô Phan Thị Hương cũng cho rằng, để thực hiện được việc đổi mới môn Tin học, các giáo viên ngoài việc tự nâng cao kĩ năng, kiến thức cần được tập huấn và trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về những công nghệ hiện đại. Từ đó ứng dụng vào việc giảng dạy của mình. Còn các nhà trường cũng cần được đầu tư nhiều hơn về CSVC, máy tính để đáp ứng việc dạy, học.