Đáp ứng việc chăm sóc trẻ một cách toàn diện

GD&TĐ - Sự thiếu chăm sóc, nuôi dưỡng, tương tác… trong những năm đầu đời có thể dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục. Kết quả là khi trưởng thành trẻ sẽ có thu nhập thấp hơn, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội. 

Đáp ứng việc chăm sóc trẻ một cách toàn diện

Những tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng tới thế hệ hiện tại mà còn tới cả các thế hệ tương lai. Chính vì vậy, Đề án quốc gia “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2017 - 2025” sẽ mang lại nhiều ưu việt cho trẻ em Việt Nam.

Phát triển trẻ thơ toàn diện: Còn nhiều trở ngại

Một con số đáng kinh ngạc là 43% trẻ em dưới 5 tuổi – ước tính tương đương khoảng 250 triệu trẻ - tại các quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp đang phải đối mặt với nguy cơ kém phát triển do nghèo đói và suy dinh dưỡng.

Vấn đề này hiện vẫn đang bị xem nhẹ dù nghèo đói và suy dinh dưỡng còn để lại nhiều hậu quả hơn là chỉ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Một sự khởi đầu cuộc đời không mấy thuận lợi có thể khiến cá nhân bị ảnh hưởng mất khoảng 1/4 thu nhập hàng năm khi trưởng thành, trong khi đó các quốc gia có thể sẽ phải dành gấp đôi mức GDP hiện tại để chi trả cho y tế và giáo dục.

Sự phát triển của trẻ được bắt đầu ngay từ khi nằm trong bào thai. Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng tuổi ấu thơ không chỉ là giai đoạn đặc biệt nhạy cảm với các rủi ro, mà còn là thời điểm quan trọng để can thiệp sớm có thể phát huy hiệu quả tối ưu cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Những trải nghiệm ban đầu của trẻ nhỏ đều đến từ sự chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người trông trẻ và các dịch vụ cộng đồng.

Tại Việt Nam vẫn còn những thách thức trong việc hỗ trợ phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ em trai và trẻ em gái, đặc biệt ở nhóm trẻ từ 0 - 4 tuổi. Gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi. Khoảng 77% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 13% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3 - 5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính thống.

Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại, 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Nâng cao thể chất tinh thần cho trẻ em

Chăm sóc nuôi dưỡng là tạo ra môi trường ổn định giúp thúc đẩy sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các ảnh hưởng không tốt và mang đến cho trẻ cơ hội được học tập và phát triển sớm thông qua các tương tác với gia đình và cộng đồng. Sự chăm sóc này đem lại lợi ích suốt đời, bao gồm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng khả năng học tập và thu nhập của trẻ trong tương lai.

Vì vậy, gia đình cần được hỗ trợ nhiều mặt khi chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, chẳng hạn như về mặt tài chính và vật chất. Những chính sách như chế độ nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ cũng như các dịch vụ xã hội về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội cũng cần được lưu ý.

Để giúp trẻ có nhiều cơ hội tốt hơn, việc xây dựng Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2017 - 2025” đã đưa ra cách tiếp cận toàn diện về chính sách và các chương trình hướng tới trẻ em từ khi trong bụng mẹ đến tám tuổi, bố mẹ và người chăm sóc các em.

Chia sẻ về vấn đề thực hiện Đề án, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia phát triển trẻ thơ toàn diện Unicef đã chỉ ra những điều kiện thiết yếu đó là: Để đề án triển khai một cách có hiệu quả thì 90% đội ngũ cán bộ làm trong các trung tâm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, các cơ sở chăm sóc y tế và điều trị và các bên liên quan, cùng đội ngũ cán bộ y tế cộng đồng phải được tiếp cận đến các kiến thức và kỹ năng chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD).

Trong đó 70% cha mẹ và người trông trẻ được đào tạo về PTTTTD; 100% địa phương có mô hình thử nghiệm về PTTTTD và chăm sóc sức khỏe tiến hành tại các cộng đồng, đồng thời 50% các tỉnh thành có dự án thí điểm về PTTTTD được nhân rộng.

Muốn thực hiện tốt vấn đề này chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời cho các nhà hoạch định chính sách, các cấp chính quyền đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em và cộng đồng.

Đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ngành Y tế, ngành Giáo dục, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tại các cấp; người chăm sóc trẻ tại các cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhân viên y tế về chăm sóc và PTTTTD. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em từ 0 - 8 tuổi và phụ nữ mang thai.

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu Việt Nam của TS Trần Hữu Bích: Chương trình PTTTTD nhằm kiến tạo hòa bình và liên kết xã hội đã được đưa ra trên nhiều bình diện với sự đóng góp và tham gia của các nhà khoa học và học viện uy tín về lĩnh vực phát triển toàn diện cho trẻ ngay từ những giai đoạn đầu đời (0 - 8 tuổi).

Cách tiếp cận về vai trò của PTTTTD trong việc kiến tạo hòa bình và liên kết xã hội là cách tiếp cận mới, hệ thống và có khả năng ứng dụng cao. Chương trình này có tiềm năng để phát triển và mang lại lợi ích không chỉ cho các nước đang phát triển, mà còn cho phần còn lại của thế giới. Hiện nay, PTTTTD đã được phổ biến hệ thống ở Việt Nam và mang lại lợi ích cho đất nước và các bên tham gia vào dự án nghiên cứu toàn cầu.

Các mục tiêu trước mắt đến năm 2020:

- 50% trẻ em dưới 3 tuổi được quản lý và đánh giá nhu cầu về PTTTTD.

- 70% trẻ em từ 3 - dưới 5 tuổi được theo dõi, đánh giá nhu cầu về PTTTTD.

- 70% trẻ em từ 5 - 8 tuổi được theo dõi, đánh giá nhu cầu về PTTTTD.

- 70% trẻ em 0 - 8 tuổi trong diện quản lý được tiếp cận các dịch vụ PTTTTD theo nhu cầu về: Sức khỏe dinh dưỡng; giáo dục; tâm lý; chăm sóc nuôi dưỡng; bảo vệ trẻ em; phúc lợi xã hội và chính sách bảo trợ XH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Diếp thơm

GD&TĐ - Nó cứ luấn quấn bên chân mẹ rồi 'vén' mũi lên mà hít hà. Cái mùi hương này sao mà quyến luyến đến thế kia chứ.