Cuộc chạy đua giải cứu trẻ em Campuchia

GD&TĐ - Vì thương cảm, nước Australia và nhiều cư dân phương Tây khác không tiếc tiền quyên góp cho các trại trẻ mồ côi ở Đông Nam Á, trong đó có Campuchia. Tuy nhiên, tình thương của họ vô hình trung đã và đang bứt lũ trẻ ra khỏi gia đình, buộc chúng phải chịu cực, chịu khổ, bị lạm dụng trong các trại trẻ mồ côi vì lợi ích của người điều hành thiếu đạo đức. “Không đâu bằng nhà mình”, Sinet Chan, một trẻ mồ côi, hiện là thành viên Quỹ Nhi đồng Campuchia lên tiếng. Nếu muốn giúp đỡ trẻ nghèo Campuchia, xin hãy hỗ trợ cho cha mẹ họ để gia đình có thể tự chăm sóc các em.

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi trẻ nghèo Campuchia bị xem như một món hàng
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi trẻ nghèo Campuchia bị xem như một món hàng

Kinh doanh trại mồ côi

 Trẻ mồ côi bị ép ăn mặc rách rưới để lôi kéo sự thương cảm của du khách

Theo kết quả thống kê của chính phủ Campuchia và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), có 16.500 trẻ em sống trong 406 trại trẻ mồ côi khắp quốc gia, song phần lớn các em đều không phải là trẻ mồ côi. 80% trẻ trong các trại trẻ mồ côi Campuchia vẫn còn cha mẹ. Từ năm 2005 – 2015, số trẻ mồ côi ở Campuchia tăng 60%, một nửa tập trung tại các điểm tham quan du lịch trong Thủ đô Phnom Penh và Thành phố Siem Reap. Theo James Sutherland, điều phối viên truyền thông của Tổ chức Friends International, Campuchia, sự phát triển của các trại trẻ mồ côi hoàn toàn trái ngược với tỉ lệ đói nghèo đang ngày càng giảm. Thay vào đó, nó tăng trưởng tỉ lệ thuận với sự phát triển của ngành du lịch và “chủ nghĩa tự nguyện”. “Về cơ bản”, Sutherland nói, “các giám sát trại mồ côi vô đạo đức đã nhìn thấy chuyện này như một cơ hội kinh doanh”. Vấn đề cấp bách này thậm chí vượt ra ngoài biên giới Campuchia. Ước tính có đến 8 triệu trẻ em sống trong các trại trẻ mồ côi trên toàn cầu trong khi phần lớn đều vẫn còn gia đình, người thân có thể chăm sóc, nuôi nấng chúng đúng cách.

Thực tế tại Campuchia chỉ ra, trẻ em đang bị tách khỏi gia đình vì lợi ích của người lớn, trở thành mặt hàng buôn bán lòng thương, thu về lợi nhuận khổng lồ. Không chỉ thế, các em còn bị ép lao động cực nhọc, lạm dụng thể chất và tình dục.

Ở Campuchia, việc du khách nước ngoài đến thăm và tặng quà tại các trại trẻ mồ côi không hề lạ. Là một trẻ em mồ côi, Sinet Chan không ít lần đón tiếp khách đến thăm, nhảy múa cho họ xem, chụp ảnh chung trước khi họ về. Khách du lịch, tất nhiên, tặng quà vì lòng tốt và không hề biết sự thật phía sau màn kịch cảm động diễn ra trước mắt. Họ không hay Chan phải nhảy múa mua vui trong khi bụng đói meo. Bé và các bằng hữu khác, khi khách viếng thăm ra về, phải tự bắt chuột để dỗ dành dạ dày.

Không chỉ thế, giám sát trại trẻ mồ côi còn thường xuyên đánh đập, cưỡng hiếp Chan. Cô bé buộc phải làm việc đồng áng cực nhọc trên các ruộng lúa và trang trại mà không được trả công. Quần áo, đồ chơi được khách quốc tế tặng bị cướp mất, trở thành mặt hàng trên chợ, cuối cùng biến thành tiền nằm trong túi giám đốc trại.

“Cháu cứ tưởng đó là một nơi tốt, có đủ ăn, đủ mặc và cơ hội được học hành. Nhưng thật ra, mọi thứ cháu tưởng đều là sai”, Chan bày tỏ với Tờ Người Bảo hộ Úc. “Ông ta cho chúng cháu ăn mặc rách rưới để khách đến thăm thương hại, quyên góp nhiều hơn”.

Sinet Chan (trái) và Tara Winkler (phải) từ Quỹ Nhi đồng Campuchia

Sinet Chan (trái) và Tara Winkler (phải) từ Quỹ Nhi đồng Campuchia

Hiên tại, Campuchia, Úc và UNICEF đang nỗ lực đưa trẻ về với gia đình

Hiên tại, Campuchia, Úc và UNICEF đang nỗ lực đưa trẻ về với gia đình

Tới hết năm 2018, Campuchia cam kết hoàn trả 30% trẻ em trong trại mồ côi về với gia đình
 Tới hết năm 2018, Campuchia cam kết hoàn trả 30% trẻ em trong trại mồ côi về với gia đình

Lạm dụng lòng thương

Theo UNICEF, Úc nằm trong top những quốc gia ủng hộ tài chính nhiều nhất cho các trại trẻ mồ côi Đông Nam Á, bao gồm cả Campuchia. Họ hỗ trợ trẻ mồ côi thông qua các tình nguyện viên, quyên góp, thăm quan du lịch do tổ chức du lịch, từ thiện, nhà thờ, trường học Úc sắp đặt. “Dù họ làm việc thiện với ý tốt”, Iman Morooka, giám đốc truyền thông UNICEF tại Campuchia cho biết, “sự giúp đỡ của họ đang kéo trẻ em ra khỏi sự bao bọc của gia đình”.

Sự hỗ trợ của Úc chủ yếu đến từ các tổ chức tôn giáo, bao gồm Thiên Chúa giáo và một số nhóm Hồi giáo. 51% quỹ hội thánh được sử dụng cho việc giúp đỡ trẻ em mồ côi ở nước ngoài. Sau hội thánh là các trường học, trường đại học. Họ quyên góp thông qua chương trình tình nguyện quốc tế. Trên mỗi tiểu bang của Australia đều có từ 4,35-15,61% trường công lập tổ chức gây quỹ hoặc các chuyến thăm trại trẻ mồ côi. Tổ chức phi chính phủ và từ thiện của Úc cũng tỏ ra cực kỳ hào phóng. Họ có đến 245 tổ chức phi chính phủ đăng ký tài trợ trực tiếp hoặc gửi tình nguyện viên tới tận nơi hỗ trợ, 565 tổ chức từ thiện tham gia hoặc điều hành các cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi ở nước ngoài.

Du lịch Úc kết hợp các kỳ nghỉ với đóng góp từ thiện tình nguyện cho du khách có thiện chí. Khoảng 22 cơ quan du lịch Úc liên tục đưa các tình nguyện viên đến các trung tâm chăm sóc tại gia, 61 cơ quan du lịch Úc ở nước ngoài không ngừng tuyển tình nguyện viên cho công tác từ thiện.

Trại trẻ mồ côi của Campuchia hiện không phải là nơi chăm sóc cho trẻ em cơ nhỡ. Nó giống địa điểm kinh doanh hơn. Để duy trì hoạt động, trại mồ côi không ngừng “tuyển” trẻ em từ các gia đình nghèo, hứa hẹn sẽ giúp con em họ có cuộc sống tốt hơn, được học hành tử tế. Nhiều trại trẻ mồ côi thậm chí tự quảng cáo như điểm du lịch. Các cô cậu bé bị ép ăn mặc tồi tàn, luôn trong tình trạng thiếu ăn, gầy gò, suy dinh dưỡng để đánh động lòng thương. Chúng cũng phải học hát, múa, mua vui cho khách đến thăm. “Hầu hết các ‘đạo diễn’ nhà trẻ mồ côi đều biết, khi bạn mở lòng, bạn cũng mở ví”, Sutherland cay đắng.

Không khó để lừa gạt tình cảm từ các du khách không hiểu tường tận thực tế trong trại trẻ mồ côi. Sự giúp đỡ của họ, thay vì đem đến cho các em cuộc sống tốt hơn, vô tình biến trẻ nghèo thành mặt hàng, bị mua bán, bóc lột và lạm dụng. Bằng chứng chỉ ra, trẻ em Campuchia trong các trại trẻ mồ côi có khuynh hướng dễ bị rối loạn nhân cách, chậm phát triển, sức khỏe thể chất yếu kém, năng lực tiếp thu, học tập thấp hơn rất nhiều so với trẻ được chăm sóc bởi gia đình.

Cậu con cả 15 tuổi Maddox (giữa) của nữ diễn viên Angelina Jolie được nhận nuôi vào năm 2002 tại một trại trẻ mồ côi ở Battambang, Campuchia
 Cậu con cả 15 tuổi Maddox (giữa) của nữ diễn viên Angelina Jolie được nhận nuôi vào năm 2002 tại một trại trẻ mồ côi ở Battambang, Campuchia
Một nhân viên từ thiện Úc sinh hoạt với các trẻ Campuchia
 Một nhân viên từ thiện Úc sinh hoạt với các trẻ Campuchia

Trả trẻ về với gia đình

Trước tình hình hiện tại, cả Campuchia lẫn Australia đều gấp rút tiến hành việc gây sức ép với chính phủ nhằm cấm du lịch trại trẻ mồ côi. Các tổ chức phi chính phủ, từ thiện và công ty du lịch bắt tay thành lập liên minh ReThink Orphanages, ra sức nâng cao nhận thức về từ thiện trong các tổ chức từ thiện vừa và nhỏ, trường học, trường đại học. Mục đích của ReThink Orphanages không phải là cắt bỏ các khoản đóng góp cho quỹ từ thiện. Họ hướng tới việc chuyển đổi dịch vụ, đưa trẻ em về với gia đình, thay thế việc hỗ trợ trại mồ côi bằng hoạt động hỗ trợ hộ nghèo.

Việc chuyển hướng của ReThink Orphanages là cực kỳ quan trọng đối với việc chấm dứt lạm dụng trẻ nghèo ở Campuchia, Sutherland khẳng định. Một khi quỹ từ thiện nước ngoài vẫn rót vào các trại mồ côi, trẻ em sẽ vẫn bị tước khỏi vòng tay gia đình. Sinet Chan, giờ đã trưởng thành, nỗ lực cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra nhằm lấy báo cáo thực tế thuyết phục các chính khách Úc. Trước đây, Chan may mắn được Tara Winkler, một tình nguyện viên nhận ra sự thật và giải cứu. “Tôi bắt đầu nhận ra sự tham nhũng không giới hạn, đến từng xu đang diễn ra”, Tara cho biết. Với sự trợ giúp của chính phủ Campuchia, Tara giải thoát cho 14 trẻ em, tự thành lập trại mồ côi mới. Tuy nhiên, sau khi mở cơ sở, cô lần nữa nhận ra sai lầm. Những đứa trẻ tội nghiệp kể cho Tara biết chúng vẫn còn cha mẹ.

“Tôi nghĩ mọi người nên để ý chuyện này. Tại Campuchia, trong khi tỷ lệ nghèo đói giảm dần, số lượng trẻ mồ côi lại tăng vọt. Điều đau lòng hơn cả là chúng ta giúp đỡ vì thiện chí song, chính thiện chí của chúng ta lại đang cướp đi của trẻ em cái nôi êm ấm nhất, khiến chúng trở thành nạn nhân của buôn bán lòng thương”.

Điều đáng ngại nhất ở Campuchua là mạng lưới trại trẻ mồ côi hoàn toàn tự phát, không nằm trong sự giám sát của nhà nước. Theo khảo sát năm 2017 của Campuchia và UNICEF, có đến 12% các trại trẻ không đăng ký với chính phủ, 33% chưa một lần được nhà nước kiểm tra, 21% ngoài sự đồng thuận với chính quyền địa phương.

Hiện tại, chính phủ Campuchia kết hợp với UNICEF và Friends International, hình thành mối quan hệ hợp tác 3PC, nỗ lực giải quyết dứt điểm vấn đề. Họ bao gồm 50 tổ chức phi chính phủ bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em Campuchia, cố gắng hoàn trả trẻ về với gia đình. Mục tiêu của Campuchia là, đến cuối năm 2018, phải thành công đưa 30% trẻ em trong các trại trẻ mồ côi về nhà cha mẹ, hỗ trợ chăm sóc tại gia. Họ cũng gây áp lực, buộc các trại trẻ mồ côi phải chuyển từ điều hành tự phát sang tổ chức cộng đồng, dưới sự giám sát của chính phủ.

Chan hiện đang tích cực tạo dựng cuộc sống mới. Cô trở thành biên kịch viết kịch bản cho chương trình truyền hình. “Tôi tin rằng, với bất cứ người nào trên toàn thế giới này, không nơi nào tốt hơn nhà mình. Bạn sống với gia đình. Bạn có cha mẹ, anh chị em. Nếu đã có một gia đình như vậy, bạn đâu lý gì lại phải vào trại trẻ mồ côi đúng không? Nếu muốn giúp đỡ trẻ em Campuchia có tương lai tươi sáng hay nền giáo dục tốt hơn, hãy giúp các cha mẹ nghèo để họ có thể tự chăm sóc cho con em mình”.

Theo Theguardian.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ