Đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp

GD&TĐ - Đốt pháo trong ngày Tết cổ truyền từng là phong tục không thể thiếu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi thông tin đơn vị duy nhất được cấp phép sản xuất và cung cấp pháo hoa không gây tiếng nổ là Công ty TNHH MTV hóa chất 21, Bộ Quốc phòng (Z121) tổ chức gần 60 điểm bán sản phẩm pháo hoa ở hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều người đã đổ xô đến các điểm này để mua.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các sản phẩm như ống phun nước bạc, cánh hoa xoay, ống phun hoa lửa cầm tay luôn có đủ số lượng để bán, sản phẩm giàn phun viên, giàn phun hoa có rất ít, thậm chí là không có. Trái ngược với điều này, trên một số trang mạng, có nhiều người rao bán với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần giá nhà máy công bố.

Đốt pháo trong ngày Tết cổ truyền từng là phong tục không thể thiếu. Theo thời gian, cùng với sự phát triển đã xuất hiện những loại pháo mất an toàn, khiến phong tục đẹp này bị biến tướng, dẫn đến nhiều lệ lụy, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Do đó, từ ngày 1/1/1995, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ. Dù vậy, nhu cầu đốt pháo trong những ngày Tết vẫn “vẹn nguyên” trong rất nhiều người. Và khi cung bị “đứt” trong khi cầu vẫn còn thì tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép là điều khó tránh.

Minh chứng rõ nhất cho việc này là việc thời gian qua, các cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo. “Nhìn gần” hơn nữa là trên các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông tin về mua bán pháo.

Cụ thể với từ khóa “bán pháo” tìm kiếm trên Google, chỉ trong vòng 0,5 giây đã cho tới 14 triệu kết quả, với đủ các lời giới thiệu về chủng loại, chất lượng, giá cả, mức độ “an toàn” khi giao dịch...

Từ năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137 cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị...

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuy nhiên, vì “nguồn” cung các loại pháo hợp pháp không đủ nên người dân khi có nhu cầu chỉ biết tìm đến các loại pháo bất hợp pháp - dù biết các hành vi này là vi phạm pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo trái phép, điều cần thiết là phải đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, đấu tranh với các đường dây buôn lậu...

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không sử dụng các sản phẩm pháo cấm. Đặc biệt, khi pháp luật đã cho phép sử dụng một số loại pháo thì phải có nguồn cung đủ lớn và đủ chủng loại để đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần “làm sạch” thông tin trên không gian mạng về buôn bán pháo vì những nội dung này không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới hành vi vi phạm ngoài thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.