Đơn vị đầu mối thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo
Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là một trong 3 Đại học vùng, được thành lập ngày 04/4/1994 theo Nghị định số 31/CP của Thủ tướng Chính phủ, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước.
Trong 30 năm qua, ĐHTN đã có những đóng góp đáng kể trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước và khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, thực hiện vị trí và trách nhiệm theo Luật quy định “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. ĐHTN xác định 03 trụ cột, bao gồm: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công; Tư vấn chính sách có hiệu quả.
Đại học Thái Nguyên hiện có 7 trường đại học thành viên; trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật; trường Ngoại ngữ; Khoa Quốc tế; 02 Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang; Nhà Xuất bản, Tạp chí Khoa học & công nghệ và 10 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. ĐHTN phấn đấu phát triển thành một chỉnh thể thống nhất về mục tiêu, sứ mạng và tầm nhìn, để phát huy sức mạnh nội lực, trở thành một bộ phận không tách rời của các địa phương trong vùng và trong cạnh tranh toàn cầu.
Hiện tại, ĐHTN có 3.776 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, với 876 giảng viên có trình độ tiến sĩ (đạt tỷ lệ 35,7% so với tổng số giảng viên); trong đó hơn 135 tiến sĩ là giáo sư, phó giáo sư (đạt tỷ lệ 5,5% so với tổng số giảng viên).
Trong những năm vừa qua, Đại học Thái Nguyên giao cho Trung tâm Đào tạo từ xa là đơn vị đầu mối, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong việc phối hợp với các đơn vị đào tạo, các ban chức năng liên quan trong việc tổ chức đào tạo từ xa. Chủ yếu tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn kinh tế – là các ngành có ít phần thực hành và thí nghiệm.
Đại học Thái nguyên có đầy đủ các cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, giảng đường phục vụ tốt cho công tác đào tạo. Các giáo trình môn học và tài liệu tham khảo hết sức đầy đủ, đáp ứng yêu cầu về đảm bảo chất lượng. Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên là một trong những Trung tâm lớn nhất Đông Nam Á, có kho dữ liệu số và tài liệu tham khảo hết sức phong phú.
Mỗi sinh viên khi trúng tuyển làm thẻ truy cập học liệu điện tử và sử dụng trong suốt quá trình học tập. Như vậy cả về đội ngũ, cơ sở vật chất và học liệu, giáo trình, Đại học Thái Nguyên hoàn toàn đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Khi mới thành lập, Trung tâm mới chỉ tổ chức đào tạo đại học từ xa các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Luật, Kế toán,… Nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, góp phần tích cực xây dựng một xã hội hóa học tập, năm 2013, Trung tâm triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến (E-learning) với 5 chuyên ngành đào tạo: Luật kinh tế, Kế toán tổng hợp, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Học viên tham gia lớp đào tạo cử nhân chương trình TNU – E. Learning giữa Đại học Thái Nguyên với Công ty Cổ phần tư vấn dịch vụ đào tạo AUM Việt Nam. |
Đặc biệt, thời gian qua Trung tâm đã xây dựng được ba Đề án chuyển đổi phương thức đào tạo từ chính quy sang đào tạo từ xa gồm các ngành Ngôn ngữ Anh; ngành Thương mại điện tử và ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, đáp ứng nhu cầu của người học.
Tạo cơ hội học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời
Trải qua 11 năm đi vào hoạt động, hiện nay số lượng học viên theo học và đã tốt nghiệp ngày càng tăng, trong đó nhiều cựu sinh viên đã và đang đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả trong việc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo Đại học Thái nguyên nói chung và Trung tâm Đào tạo từ xa nói riêng đặt mục tiêu xây dựng xã hội hóa học tập, tạo cơ hội học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời, tạo điều kiện giúp đỡ người học mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự gắn kết giữa giáo dục đào tạo với thực tiễn xã hội, bồi dưỡng cán bộ quản lý; xây dựng chương trình mang tính hướng nghiệp, xây dựng tài nguyên đào tạo điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ để phục vụ công tác đào tạo từ xa. Đặc biệt là thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo từ xa để đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.